Vùng trung du, miền núi (vùng phía Tây)

       Vùng trung du, miền núi (vùng phía Tây) được xác định theo đơn vị hành chính các huyện thuộc khu vực miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My. Vùng có diện tích tự nhiên 7,83 nghìn km2 (chiếm 73,7% diện tích toàn tỉnh) với địa hình đa dạng và phức tạp. Dân số năm 2022 là 329 nghìn người (chiếm 21,6% dân số toàn tỉnh), là nơi tập trung sinh sống của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam.

       Đây là vùng có nguồn tài nguyên phong phú, vị trí chiến lược, thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng (trồng rừng nguyên liệu) và cây công nghiệp lâu năm (cao su, tiêu, điều, chè, cây dược liệu…), công nghiệp khai khoáng và thủy điện, du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa. Đây cũng là cửa ngõ kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, là vùng quan trọng trong giữ gìn ổn định biên giới trên đất liền.

       Trong những năm qua, phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi đã có những chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, triển khai hiệu quả. Công tác rà soát quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế bền vững thông qua các chương trình trồng rừng gỗ lớn, trồng cây nguyên liệu, dược liệu dưới tán rừng, đào tạo nghề giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững… đã làm cho diện mạo khu vực miền núi từng bước có sự thay đổi, đặc biệt tại các trung tâm huyện lị, trung tâm xã.

      Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản (theo giá hiện hành) của vùng chiếm hơn 18% toàn tỉnh. Tổng diện tích cây dược liệu toàn vùng hiện có trên 8.500 ha, phân bố ở hầu hết các huyện, tập trung nhiều ở các huyện miền núi cao (chiếm tỉ lệ 85% diện tích). Từng bước gắn kết giữa trồng, phát triển cây dược liệu với vấn đề tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng các vùng cây dược liệu ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

       Kinh tế công nghiệp, dịch vụ ở các huyện trung du, miền núi đã có bước phát triển tích cực, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay khu vực miền núi có 10 công trình thủy điện lớn, 36 thủy điện vừa và nhỏ, 01 nhà máy xi măng… Giá trị sản xuất ngành công nghiệp của vùng chiếm hơn 5% toàn tỉnh. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ của vùng chiếm hơn 10% toàn tỉnh. Một số ngành dịch vụ đã có bước phát triển như mở rộng, nâng cấp hệ thống chợ cấp huyện và chợ liên xã, tăng cường các tuyến vận tải liên vùng

       Hoạt động du lịch bước đầu đã hình thành các điểm du lịch sinh thái dọc đường Hồ Chí Minh, các di tích lịch sử, du lịch văn hóa đồng bào các dân tộc, các điểm dừng nghỉ phục vụ tham quan, du lịch tại các trung tâm huyện miền núi. Phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn như làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đhờ – Rôồng, thôn Bhờ Hôồng (các xã Tà Lu và Sông Kôn, huyện Đông Giang), làng nghề dệt thổ cẩm Zara (xã TàBhing, huyện Nam Giang), làng nghề trầm hương Trung Phước, làng Đại Bình (thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn), làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước)… Bên cạnh đó, cửa khẩu quốc tế Nam Giang và cửa khẩu phụ Tây Giang đã đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy kinh tế vùng trung du miền núi phát triển.

 

Các hoạt động kinh tế vùng núi phía Tây Quảng Nam

Nhà máy xi măng ở Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang)

Đập tràn nhà máy thủy điện A Vương

Vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My

Quế Trà My – lâm đặc sản nổi tiếng của miền Tây Quảng Nam

Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang

Hoạt động văn hóa, du lịch làng Bhơ Hôồng xã Sông Kôn, huyện Đông Giang

Similar Posts