1. Vùng đồng bằng ven biển (vùng phía Đông)

      Vùng đồng bằng ven biển (vùng phía Đông) được xác định theo đơn vị hành chính của các huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực đồng bằng, bao gồm: Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành. Vùng có diện tích tự nhiên 2,743 nghìn km2 (chiếm 26,3% diện tích toàn tỉnh), và dân số năm 2022 là 1.196 nghìn người (chiếm 78,4% dân số toàn tỉnh).

        Đây là vùng kinh tế tổng hợp, vùng động lực phát triển của tỉnh Quảng Nam. Các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, du lịch, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng tập trung các đô thị lớn, nơi bố trí trung tâm hành chính của tỉnh, các trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, vùng còn là đầu mối giao thông, giao lưu của tỉnh    Quảng Nam nói riêng và của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung, có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh.

       Kinh tế vùng đồng bằng ven biển trong thời gian qua có bước phát triển mạnh. Hạ tầng giao thông được đầu tư khớp nối. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Cửa Đại, cầu Đế Võng, đường Võ Chí Công, đường trục chính vào khu công nghiệp Tam Thăng, đường nối dài từ cảng Chu Lai đến tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi… Cảng hàng không Chu Lai đang ngày càng phát huy hiệu quả, lượng hành khách đi và đến sân bay Chu Lai không ngừng gia tăng. Cảng Kỳ Hà tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đảm bảo tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn. Cảng Chu Lai được mở rộng, đã tiếp nhận được các tuyến vận tải quốc tế và đang hướng đến trở thành cảng biển loại 1 mang tầm quốc gia, là cảng đầu mối của khu vực miền Trung.

Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao với nhiều dự án đầu tư đã và đang hình thành. Giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản (theo giá hiện hành) chiếm gần 82% giá trị nông – lâm – thủy sản toàn tỉnh. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của vùng. Trong đó, khu kinh tế mở Chu Lai và khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc giữ vai trò động lực. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp của vùng chiếm gần 95% giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ của vùng chiếm gần 90% giá trị dịch vụ toàn tỉnh.

      Vùng có đường bờ biển dài hơn 125 km. Kinh tế biển được chú trọng đầu tư với nhiều chương trình, dự án. Nhất là vận tải biển, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, du lịch biển, nuôi trồng thuỷ sản; phát triển cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh khai thác xa bờ; gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các chính sách hỗ trợ phát triển ngư nghiệp, ngư dân của Chính phủ đang được tổ chức thực hiện tốt. Du lịch biển ngày càng phát huy hiệu quả với sự phát triển của nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, khai thác du lịch đảo.

Một số hình ảnh phát triển kinh tế vùng phía Đông Quảng Nam

Cảng Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành)

Đường Võ Chí Công đoạn qua huyện Thăng Bình

Khu CN Tam Thăng thuộc khu kinh tế mở Chủ Lại

Một góc khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (huyện Điện Bàn)

Khu nghĩ dưỡng ven biển Nam Hội An

Khai thác hải sản của ngư dân

Similar Posts