SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH QUẢNG NAM

       Quảng Nam xưa kia là đất quận Nhật Nam, sau bị nước Lâm Ấp (Chiêm Thành) chiếm cứ. Nhà Hồ năm Thiệu Thành thứ 2 (1402) lấy được đất Chiêm Động (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) và Cổ Lũy (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi) của Chiêm Thành đặt làm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa thuộc lộ Thăng Hoa. Thời thuộc Minh đặt phủ Thăng Hoa lãnh 4 châu, 11 huyện. Đời Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ 1 (1470) đặt Quảng Nam thừa tuyên lãnh 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn gồm 9 huyện (1) . Đời chúa Nguyễn Hoàng năm 1602, đặt dinh Quảng Nam vẫn lãnh 3 phủ này. Năm 1605, thăng huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa làm phủ Điện Bàn đổi lệ vào dinh Quảng Nam. Năm 1801, Thế tổ Cao Hoàng đế (tức vua Gia Long sau này) lấy 2 phủ Thăng Hoa, Điện Bàn đặt làm dinh Quảng Nam (2).

       Triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 5 (1806) đặt dinh Quảng Nam Trực Lệ vào kinh sư. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) bỏ dinh Trực Lệ đổi thành trấn Quảng Nam. Năm Minh Mệnh 13 (1832), chia đặt tỉnh hạt, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam quản lãnh 2 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa và 5 huyện Diên Phước, Hòa Vang, Duy Xuyên, Lễ Dương, Hà Đông; lại gộp với tỉnh Quảng Ngãi đặt chức Tuần phủ Nam – Ngãi. Năm Minh Mệnh 17 (1836), đặt thêm huyện Quế Sơn thuộc phủ Thăng Hoa. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), đổi tên phủ Thăng Hoa thành phủ Thăng Bình (kiêng húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa), năm thứ 7 (1847) bỏ chức Tuần phủ đặt chức Tổng đốc Nam – Ngãi. Cuối đời vua Tự Đức, tỉnh Quảng Nam lãnh 2 phủ, 6 huyện; trong đó, phủ Điện Bàn lãnh 3 huyện: Diên Phước, Duy Xuyên, Hòa Vang; phủ Thăng Bình lãnh 3 huyện: Lễ Dương, Hà Đông, Quế Sơn (3).

Thời Pháp thuộc, năm 1888, vua Đồng Khánh ban Dụ được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đem phần đất đai thuộc Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane) nhượng cho Pháp trở thành nhượng địa (4). Trên cơ sở đó, ngày 24/5/1889, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng (Municipalité de Tourane) (5). Thành phố Đà Nẵng có một Hội đồng thành phố, ngoài ra một viên Công sứ người Pháp làm Ủy viên thành phố.

        Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ban Dụ thành lập một loạt các thị xã tại miền Trung gồm Thanh Hóa, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết; trong đó có thị xã Faifo (tức Hội An) thuộc tỉnh Quảng Nam (6). Năm 1893, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được sáp nhập làm một gọi là tỉnh Nam-Ngãi, tỉnh lỵ đặt tại Hội An (7). Năm 1895, tách trở lại thành hai tỉnh độc lập. Ngày 30/8/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y Dụ các ngày 20/10/1898 và 12/7/1899 của vua Thành Thái về việc thành lập thị xã Hội An có thu nhập và ngân sách riêng (8).

        Năm 1899, đặt thêm huyện Đại Lộc thuộc phủ Điện Bàn (9). Năm 1900, tách thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang khỏi tỉnh Quảng Nam đặt dưới quyền Đốc lý thành phố Đà Nẵng (10). Năm 1901, Dụ của vua Thành Thái được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y về việc mở rộng ranh giới nhượng địa Pháp ở thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ngày 24/11/1902, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đặt tên một số đường phố của Đà Nẵng, trong đó 13 phố được đặt tên mới tại phần chu vi mở rộng gồm Đại lộ France, phố Armand Rousseau, phố Noel Ballay, phố Sadi Carnot, phố Félex Faure, phố Brest, phố Lorient, phố Rocherfort, phố Toulon, phố Cherbourg, phố Laos, phố Hà Nội, phố Cambodge (11). Năm 1905, trả lại huyện Hòa Vang về tỉnh Quảng Nam. Năm 1906, thành lập Đại lý hành chính Tam Kỳ bao gồm địa hạt huyện Hà Đông (12). Năm 1908, Toàn quyền Đông Dương tổ chức lại thành phố Đà Nẵng, theo Nghị định này thành phố Đà Nẵng có một Đốc lý và một Hội đồng thành phố. Trong đó, chức Đốc lý do Toàn quyền bổ nhiệm và đặt dưới quyền trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ (13). Năm 1917, đặt thêm huyện Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam (14).

        Sau năm 1945, tỉnh Quảng Nam thuộc Khu 5 cùng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai. Năm 1948, hợp nhất các Khu thành Liên khu, Khu 5 – Khu 6 hợp nhất thành Liên khu miền Nam Trung bộ. Ngày 6/9/1952, Nghị định 129-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước bị chia cắt làm hai miền lấy Vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị làm ranh giới. Toàn bộ địa giới từ Vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, được phân chia thành Cao nguyên Trung phần, Trung nguyên Trung phần, Đông Nam phần và Tây Nam phần. Tỉnh Quảng Nam thuộc Trung nguyên Trung phần gồm 1 thị xã Hội An (tỉnh lị) và 12 quận Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Hòa Tân, Hiên Giằng, Quế Sơn, Phước Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà My. Ngày 31/7/1962, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 162-NV thành lập một tỉnh mới có tên là Quảng Tín, tỉnh lị đặt tại Tam Kỳ. Cũng khoảng thời gian đó Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ tại Quảng Nam lại tách tỉnh Quảng Nam thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Trong đó, tỉnh Quảng Đà gồm: 7 huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Hiên, Giằng, Phước Sơn.

       Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Bộ Chính trị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TƯ ngày 20/9/1975 về việc bỏ khu, hợp tỉnh. Theo đó, tháng 2 năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định trong đó sáp nhập các tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gồm thành phố Đà Nẵng (tỉnh lị), thị xã Hội An và 12 huyện: Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Hiên, Giằng, Phước Sơn, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà My. Năm 1982, thành lập thêm huyện đảo Hoàng Sa (15). Năm 1983, tách huyện Tam Kỳ thành thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành (16). Năm 1985, thành lập thêm huyện Hiệp Đức trên cơ sở tách 2 xã thuộc huyện Thăng Bình, 4 xã thuộc huyện Quế Sơn, 2 xã thuộc huyện Phước Sơn (17) .

         Ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX kì họp thứ 10 phê chuẩn việc tách và thành lập các tỉnh. Trong đó, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Tỉnh Quảng Nam gồm 2 thị xã Tam Kỳ (tỉnh lị), Hội An và 12 huyện (Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hiên, Giằng, Hiệp Đức, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà My). Thành phố Đà Nẵng gồm 5 quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê và 2 huyện (Hòa Vang, Hoàng Sa). Năm 1999, huyện Giằng được đổi tên thành huyện Nam Giang (18). Năm 2003, huyện Hiên được tách thành 2 huyện Đông Giang, Tây Giang; huyện Trà My tách thành 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (19). Năm 2005, tách một phần đất đai, dân số thuộc thị xã Tam Kỳ thành lập thêm huyện Phú Ninh . Năm 2006, nâng cấp thị xã Tam Kỳ lên thành phố Tam Kỳ . Năm 2008, nâng cấp thị xã Hội An lên thành phố Hội An , cũng năm đó, tách huyện Quế Sơn thành 2 huyện Quế Sơn, Nông Sơn (20). Ngày 11/3/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 889/NQ-UBTVQH13 về việc nâng cấp huyện Điện Bàn thành thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.

        Như vậy, sau nhiều lần tách, sáp nhập, địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam hiện nay gồm 2 thành phố là Tam Kỳ (tỉnh lị), Hội An; 1 thị xã là Điện Bàn và 15 huyện: Duy Xuyên, Đại Lộc, Phước Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Núi Thành, Nông Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phú Ninh./.

ST

Chú thích:
  1. Phủ Thăng Hoa lãnh 3 huyện Lê Giang, Hy Giang, Hà Đông; phủ Tư Nghĩa lãnh 3 huyện Nghĩa Giang, Bình Sơn, Mộ Hoa; phủ Hoài Nhơn lãnh 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn.
  2.  Cuối thế kỷ 18 xứ Quảng Nam gồm 2 phủ lãnh 11 huyện. Trong đó phủ Điện Bàn lãnh 5 huyện là Hòa Vang, An Nông, Diên Khánh, Tân Phước, Phú Châu; phủ Thăng Hoa lãnh 3 huyện là Lễ Dương, Hà Đông, Duy Xuyên. (Phủ biên tạp lục – Lê Quý Đôn)
  3.  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản dịch), NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tập 2, trang 331-337.
  4. Dụ ngày 1/10/1888 của vua Đồng Khánh và Nghị định ngày 3/10/1888 của Toàn quyền Đông Dương. (Moniteur du Protectorat de l’Annam et du Tonkin, 1888, tr. 604).
  5.  JOAT, 1892, tr. 138 và 166.
  6.  Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.
  7.  AIAT, 1893, tr. 171
  8. JOIF, 1902, tr.149-150
  9.  AGIF, 1914, tr.289
  10. AGIF, 1901, tr.453
  11.  JOIF, 1902, tr.1164-1165
  12. JOIF, 1906, tr.160
  13. JOIF, 1908, tr.1343
  14. AGIF, 1917, tr.156
  15. Quyết định số 194-HĐBT ngày 9/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang.
  16. Quyết định số 144-HĐBT ngày 3/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng; thị xã Tam Kỳ gồm 7 phường; huyện Núi Thành gồm 12 xã.
  17. Quyết định số 289-HĐBT ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
  18. Nghị định số 71/1999/NĐ-CP ngày 16/8/1999 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các phường, xã thuộc thị xã Hội An và đổi tên huyện Giằng tỉnh Quảng Nam.
  19. Nghị định số 72/2003/NĐ-CP ngày 20/6/2003 của Chính phủ; trong đó huyện Đông Giang có 81.120 ha diện tích tự nhiên và 20.798 nhân khẩu, 11 đơn vị hành chính; huyện Tây Giang có 90. 120 ha diện tích tự nhiên và 13.405 nhân khẩu, 10 đơn vị hành chính; huyện Bắc Trà My có 82.325 ha diện tích tự nhiên và 36.386 nhân khẩu, 12 đơn vị hành chính; huyện Nam Trà My có 82.235 ha diện tích tự nhiên và 19.876 nhân khẩu, 10 đơn vị hành chính.
  20.  Nghị định số 01/2005/NĐ-CP ngày 05/01/2005 của Chính phủ v/v điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ để thành lập huyện Phú Ninh.
  • Tài liệu tham khảo:
  • Cổng thông tin bảo tàng Quảng Nam.

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *