Phan Châu Trinh (1872 - 1926)

Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, Hy Mã, sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ cử nhân, đỗ phó bảng, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa biện bộ Lễ (1903). Sau khi từ quan (1904), Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian gặp gỡ kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng,… ; đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc Duy Tân ở Nhật Bản. Những năm đầu thế kỉ XX, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động Duy Tân ở Quảng Nam với chủ trương: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Ông cùng với các chí sĩ yêu nước chủ trương lên án văn hoá lạc hậu, mở mang tư tưởng canh tân hiện đại thông qua các trước tác và hoạt động truyền bá rộng rãi. Tháng 3/1908, Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội và sau đó bị đày đi Côn Đảo (4/1908). Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân, sự can thiệp của nhiều tổ chức, ông được thực dân Pháp trả tự do và sau đó xuất ngoại sang Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Phan Châu Trinh vừa mưu sinh vừa hoạt động trong giới Việt kiều. Đặc biệt, Phan Châu Trinh có mối quan hệ mật thiết với Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) trong thời gian từ năm 1917 đến năm 1923.

Phan Châu Trinh (1872-1926)

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước và tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước. Năm sau, do bệnh nặng tái phát, ông qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của quần chúng. Đám tang và lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn. Những đóng góp của Phan Châu Trinh có ý nghĩa tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, khơi dậy những giá trị tốt đẹp. Ông là nhà cách mạng dân chủ tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Phát video

Similar Posts