1. Giới thiệu chung về nghệ thuật truyền thống ở tỉnh Quảng Nam.
Với lịch sử trên 550 năm hình thành và phát triển, ở một vị trí đặc biệt có sự giao thoa các nền văn hoá, sự đa dạng về địa lí, sự dung hoà các dân tộc anh em cùng chung sống, tỉnh Quảng Nam có cả một kho tàng nghệ thuật truyền thống phong phú về loại hình, đa dạng về thể loại. Mỗi địa bàn cư trú, mỗi dân tộc đều có những hình thức nghệ thuật đặc sắc.
Nét đặc thù của nghệ thuật truyền thống ở tỉnh Quảng Nam là gắn liền với các hình thức sinh hoạt giải trí, tôn giáo tín ngưỡng của cư dân bản địa, như: hát ru, hát Bài chòi, hát Bả trạo; Nói lí, hát lí, vũ điệu Tân’tung Da’dá, điêu khắc gỗ của người Cơ Tu, đấu chiêng đôi, Kađtấu của người Co, diễn tấu Đinh tút của người Gié-Triêng, điều khắc Chăm-pa,…
Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống trải dài từ vùng sâu trong đất liền, miền núi đến đồng bằng, ven biển và hải đảo. Các làng nghề truyền thống vẫn còn lưu giữ những nét đặc sắc về nghệ thuật là những bí kíp của nghề, như: nghệ thuật trang trí lồng đèn (thành phố Hội An), nghệ thuật đắp nổi khảm sành sứ, nghệ thuật điêu khắc gỗ trong kiến trúc nhà ở (Kim Bồng), nghệ thuật đúc đồng (Phước Kiều),…
Nghệ thuật truyền thống ở Quảng Nam đóng vai trò quan trọng trong cả đời sống vật chất và tinh thần người dân nơi đây. Nó thể hiện bản sắc các cộng đồng dân tộc, là một phần quan trọng cấu thành nên cốt cách, tinh thần và văn hoá người Quảng Nam.
Trước tác động của cuộc sống hiện đại, bên cạnh những loại hình nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ thì có một số loại hình nghệ thuật đang mai một, cần bảo tồn và phát huy.