1. Mở đầu
- Công nghiệp giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam. Trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh, công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 3,43%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 78.360 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật ngành công nghiệp tăng lên nhanh chóng, tính đến năm 2020 có gần 21,3 nghìn cơ sở, tăng gần 2,4 nghìn cơ sở so với năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng đã đi vào hoạt động với nhiều sản phẩm công nghiệp đa dạng, tạo năng lực cạnh tranh trên thị trường.
- Trong cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp đã nổi lên một số ngành trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may; … Các ngành này đã và đang tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống, đóng góp an sinh xã hội cho tỉnh Quảng Nam.
2. Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô
- Năm 2003, tập đoàn ô tô Trường Hải (THACO) đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, đặt nền móng cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô của tỉnh Quảng Nam.
- Với lợi thế sẵn có và những chính sách ưu đãi của tỉnh, tập đoàn này đã sản xuất, lắp ráp đầy đủ các chủng loại: xe ô tô, xe tải, xe bus, xe du lịch, xe chuyên dụng với nhiều phân khúc từ trung cấp đến cao cấp theo chuỗi giá trị khép kín.
- Tính đến năm 2020, tổng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trên 80.500 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 8.700 lao động. Năm 2020, THACO đóng góp hơn 50% ngân sách của tỉnh Quảng Nam, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương
Quang cảnh của Thaco Trường Hải Chu Lai
Dây chuyền sản xuất ô tô tự động của Thaco
3. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
- Quảng Nam là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong đó, trữ lượng đá xây dựng khoảng 50 – 60 tỷ m3, đá vôi xi măng 558 triệu tấn, đá ốp lát, cát sỏi xây dựng, cát trắng, cao lanh,…
- Đến năm 2020, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh đã có những bước tiến không ngừng, tăng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng về chủng loại sản phẩm như: xi măng, vật liệu xây nung và không nung, vật liệu lợp, bê tông, cát, đá xây dựng, vôi,…
Quang cảnh nhà máy Xi măng Xuân Thành (Nam Giang) Nhà máy kính nổi Chu Lai (Núi Thành)
- Một số sản phẩm vật liệu xây dựng thông dụng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn và cung ứng cho các tỉnh khác. Ngoài ra, Quảng Nam đã có các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trang trí hoàn thiện có giá trị kinh tế cao như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng,…
4. Công nghiệp dệt may
- Ngành công nghiệp dệt may của tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện.
- Các doanh nghiệp dệt may đi vào hoạt động không chỉ góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp mà còn tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà máy của các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh đầu tư về vùng nông thôn, đưa nhà máy đến với lao động. Các khu, cụm công nghiệp ở Phú Ninh, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn,… đều thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đến đầu tư.
- Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm tỉ trọng hơn 30% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo số liệu từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 748,5 triệu USD (chiếm 65,3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).
Lượt xem 76