1. Cơ sở hình thành truyền thống hiếu học ở Quảng Nam
- Tỉnh Quảng Nam không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá mà nơi đây còn được biết đến là địa phương giàu truyền thống hiếu học. Người Quảng từ lâu có tiếng chăm học và học giỏi; họ đã đem tri thức, tài năng, tâm huyết,… của mình để phục vụ cho dân, cho nước.
- Truyền thống hiếu học của người Quảng Nam là kết quả của quá trình bồi đắp, chắt lọc, truyền bá của các thế hệ trên cơ sở kế thừa, thích ứng và sáng tạo với hoàn cảnh lịch sử, xã hội cụ thể. Có nhiều yếu tố tác động tới sự hình thành của truyền thống hiếu học nơi đây, trong đó nổi bật là:
– Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên
- Quảng Nam có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, độc đáo như hệ thống sông ngòi, núi, biển, đảo,… Đặc điểm địa lí tự nhiên này đã có tác động tích cực đến tiến trình hình thành và phát triển trong đời sống của cư dân.
- Bên cạnh đó, Quảng Nam còn là vùng đất phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão, lũ,… Chính những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã hình thành ở con người Quảng Nam khí chất dám đương đầu với thử thách, biết thích nghi và tiến tới chinh phục tự nhiên.
Điểm trường Lang Lương lọt thỏm giữa núi rừng Nam Trà My.
Lễ khai giảng năm học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My
– Thứ hai, về kinh tế – xã hội
Quảng Nam là vùng đất thuận lợi về hàng hải, cùng với nguồn lợi nông, lâm, hải sản, khoáng sản,… đã hình thành một nền kinh tế đa dạng, điển hình là sự hưng thịnh của thương cảng Hội An – trung tâm thương mại quốc tế bậc nhất của cả nước và cả khu vực Đông Nam Á ở các thế kỉ XVII – XVIII. Trên cơ sở tiềm năng kinh tế ấy, một cơ cấu xã hội tương thích theo hướng mở cũng đã được định hình, góp phần cho cư dân trong việc tiếp cận và tiếp nhận tri thức mới.
– Thứ ba, về địa – chính trị
Quảng Nam là vùng đất phên giậu, là nơi đầu sóng ngọn gió, đất yết hầu của miền Thuận Quảng, vùng đất trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, thành trì bảo vệ đất nước. Ý thức được sứ mệnh lịch sử giao phó cho vùng đất và con người nơi đây nên người Quảng Nam từ bao đời nay luôn lấy sự học làm trọng, quyết học thành tài, học để phụng sự đất nước và thực tế đã trở thành một vùng đất học nổi tiếng, nhiều người học rộng, đỗ đạt cao trong các khoa thi và giữ các chức vụ quan trọng, đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương.
– Thứ tư, về văn hoá dân tộc
Cùng với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân văn, từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, lịch sử dân tộc đã từng ghi danh rất nhiều tấm gương hiếu học như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh,… Trên cơ sở đó, theo suốt hành trình xây dựng và phát triển, người Quảng Nam đã kế thừa, gìn giữ và phát huy cao độ các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong đó có truyền thống hiếu học.
– Thứ năm, về con người xứ Quảng
- Là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau, người Quảng Nam đã tiếp thu, học hỏi các giá trị văn hoá tốt đẹp, góp phần tạo nên một tính cách mở, một tư tưởng ưa khám phá, thích hướng ngoại. Như lời của các giáo sĩ phương Tây nhận xét: “… người dân xứ Đàng Trong, Quảng Nam – nói riêng – rất sáng dạ, nhạy bén trong cuộc sống, biết mô phỏng và làm được những dụng cụ và các sản phẩm theo nghệ thuật, kĩ thuật Tây phương. Họ (dân Quảng Nam) đóng tàu, làm nhà đúng với bản vẽ của kiến trúc sư, họ sơn rất khéo và trên những bức sơn có những cây cối, hoa cỏ, chim muông rất ngoạn mục”.
- Hơn nữa, tư duy biện luận là một trong những nét đặc trưng của người Quảng Nam. Đó là nhân tố quan trọng giúp con người xứ Quảng luôn có ý thức tiếp nhận nhanh những thành tựu khoa học kỹ thuật để thích nghi trong điều kiện mới.
2. Nét nổi bật về truyền thống hiếu học ở Quảng Nam
Truyền thống hiếu học của người Quảng Nam được biểu hiện trong coi trọng việc học hành, coi trọng người có học, tinh thần ham học hỏi, thích hiểu biết và sự quan tâm của gia đình, xã hội đến giáo dục.
Từ xưa, Quảng Nam được coi là vùng “đất học”, “đất khoa bảng”. Nơi đây là quê hương của nhiều nhân tài học rộng, đỗ cao, quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc qua các thời kỳ, những con người làm rạng danh đất Quảng. Trong hơn một trăm năm khoa cử triều Nguyễn, Quảng Nam có 254 người đỗ Cử nhân, 39 người đỗ đại khoa, trong đó có 24 Phó bảng và 15 Tiến sĩ. Truyền thống hiếu học của người Quảng Nam cũng từ đây có tiếng thơm “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”, “Ngũ tử đăng khoa”,…
Đầu thế kỷ XX, Quảng Nam còn là một trong những nơi khởi xướng phong trào canh tân, cải cách giáo dục gắn với Trường Tân học Phú Lâm và những nhà thực hành Duy Tân xuất sắc như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ,…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1954 – 1975), người Quảng Nam vẫn tiếp tục duy trì việc học. Dù chiến tranh ác liệt nhưng các lớp học, các cấp học và các kỳ thi vẫn được tổ chức, một số học sinh được cử đi học tập ở miền Bắc, sau này đã trở thành những người đóng góp to lớn cho đất nước.
Quảng Nam là vùng đất đã sản sinh ra nhiều thầy giáo nổi tiếng không chỉ ở phạm vi địa phương mà trong cả nước, được nhân dân và học trò nhiều thế hệ trọng vọng như Trần Quý Cáp, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Hoàng Tuỵ, Lê Trí Viễn, Trần Đình Đàn,…
Chính quyền các cấp của tỉnh luôn có nhiều chủ trương, chính sách khuyến học, khuyến tài; các hội đoàn thể(5) đã huy động được các nguồn lực động viên, trợ giúp nhiều học sinh vươn lên trên con đường học vấn. Hội khuyến học từ cấp tỉnh đến cơ sở duy trì hoạt động thường xuyên và mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, truyền thống hiếu học còn được thể hiện khá rõ nét và bền vững ở các gia đình, tộc họ. Hằng năm các gia đình, tộc họ thường tổ chức vinh danh, để động viên con cháu trong học tập.
Ngày nay, người Quảng tiếp tục truyền thống hiếu học với những tấm gương học sinh nghèo vượt khó, đỗ thủ khoa, á khoa trong các kì thi Đại học và đạt giải cao ở các kì thi trong và ngoài nước. Từ đó, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội của tỉnh nhà để xứng đáng và làm rạng danh hơn nữa truyền thống hiếu học của quê hương Quảng Nam.
Các danh nhân ở Quảng Nam nổi tiếng về hiếu học