2. Một số định hướng phát triển các ngành kinh tế tác động đến lao động, việc làm ở tỉnh Quảng Nam.
Định hướng phát triển các ngành kinh tế tỉnh Quảng Nam sẽ tác động lớn đến sử dụng lao động và vấn đề việc làm trong thời gian đến.
a. Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi; chuyển đổi cây trồng các vùng khô hạn, nhiễm mặn, các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh rau màu có giá trị cao; hình thành các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho đô thị, khu công nghiệp…
b. Ngành công nghiệp
Phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế…
c. Ngành thương mại, dịch vụ và du lịch
Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, giữ vai trò chủ đạo; hình thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức; phát triển cảng hàng không quốc tế Chu Lai tiêu chuẩn 4F và hệ thống cảng biển quốc tế Chu Lai tiêu chuẩn loại I gắn với các khu phi thuế quan, khu công nghiệp tại cảng hàng không và cảng biển; xây dựng trung tâm logistics tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang phục vụ hàng hoá từ Thái Lan, Lào vào Việt Nam và ngược lại…
Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động
Trường Cao đẳng Quảng Nam kí kết hợp tác với đối tác phía Nhật Bản
Tỉnh Quảng Nam đang ưu tiên phát triển các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kĩ thuật số, kĩ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Các ngành này đã và đang thu hút ngày càng nhiều lao động có trình độ kĩ thuật cao của tỉnh, mang lại thu nhập khá tốt cho người lao động.
Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, mà cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch thị trường lao động thông qua các hình thức tuyên truyền, mở sàn giao dịch việc làm; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các tỉnh khác để giới thiệu việc làm cho người lao động…
Trong thời gian qua, các hoạt động tư vấn, đào tạo, hướng nghiệp, tìm kiếm và trải nghiệm việc làm,… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được thực hiện liên tục, có chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng.