Nghệ thuật Tuồng (hát bội)
Tuồng (còn gọi là hát bội) là một loại hình sân khấu dân gian. Cùng với chèo, tuồng là một trong hai bộ phận chủ yếu của văn kịch.
Tuồng xứ Quảng (bao gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay) có thể đã xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XVIII.
Tuồng ở Quảng Nam ra đời và hoạt động từ hai gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) và Khánh Thọ (nay thuộc huyện Phú Ninh). Hai thập niên đầu của thế kỉ XX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật này. Với sự ra đời của rạp hát Chú Châu (thành phố Hội An), trường Tuồng Vĩnh Điện (thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn), trường Tuồng Bàu Toa (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc), tỉnh Quảng Nam đã thể hiện một bước chuyển biến thật sự của nghệ thuật Tuồng, từ phương thức hoạt động sân khấu nông thôn sang sân khấu đô thị, từ thực hành tín ngưỡng sang biểu diễn giải trí.
Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như: kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hoá trang, phục trang,…
Kịch bản Tuồng có thể chia làm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng hàn lâm (Tuồng cung đình), Tuồng dân gian và Tuồng hài. Kịch bản Tuồng có thể chia làm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng hàn lâm (Tuồng cung đình), Tuồng dân gian và Tuồng hài. Cấu trúc kịch bản Tuồng khá chặt chẽ, tuân theo những quy luật riêng và được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi có nhiều lớp. Thông thường, kịch bản Tuồng có 3 hồi. Tuy nhiên, cũng có vở gồm 4 hồi.
Âm nhạc Tuồng mang tính bi hùng, quy phạm và niêm luật chặt chẽ, được tạo ra từ sự tổng hợp các hình thức âm nhạc như nhạc hát và dàn nhạc. Nhạc hát có những điệu hát cơ bản như: nói lối, hát nam, hát khách, các làn điệu không nhịp và các làn điệu có nhịp. Dàn nhạc Tuồng có vị trí quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất, cổ vũ diễn viên hoà nhập với nhân vật, đồng thời tạo cảm hứng cho khán giả. Dàn nhạc gồm: bộ trống (trống chầu, trống chiến, trống cơm, trống bồng, trống lệnh, trống bản), kèn, nhị/đàn cò và các nhạc cụ khác (thanh la, mõ, chuông, xập xã, kèn tây, organ, guitar,…).
Múa Tuồng – phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng nhân vật được chắt lọc từ những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày; tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có 10 động tác múa cơ bản từ đơn giản đến phức tạp. Từ 10 động tác cơ bản này người nghệ sĩ đã sáng tạo ra hàng trăm động tác múa khác nhau. Tuồng xứ Quảng chuộng về Tuồng văn, múa ít, động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, ít khai thác động tác võ thuật.
Nghệ thuật hoá trang là điểm nổi bật, gây ấn tượng của Tuồng với 3 màu chủ đạo: trắng, đen, đỏ. Thủ pháp “tạo khối” được sử dụng để thể hiện hình tượng nhân vật; dựa trên màu vẽ khuôn mặt, các đường nét có thể nhận biết đó là nhân vật trung hay gian, thiện hay ác.
Phục trang của Tuồng phong phú, đặc trưng cho từng nhân vật, bao gồm: mão, bào, giáp, cờ lệnh, mang, long chấn, áo đào, áo nhật bình, áo song khai, áo sĩ, áo thụng, áo bối tử, áo bá nạp, áo chít/áo chẽn, áo yểm tâm, xiêm trường, quần giáp, xa phu, củn, mão/mũ, râu ria, hia.
Sân khấu Tuồng mang tính ước lệ tượng trưng. Nhờ tài năng diễn xuất của diễn viên mà khán giả có thể hiểu được đó là cảnh cung điện lộng lẫy, nhà tù, hay rừng rậm âm u,…
Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ- BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015.
Theo thống kê của ngành văn hoá, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện tại có đến 19 câu lạc bộ Tuồng đang hoạt động khá thường xuyên.
Điều đáng chú ý là để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng, tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác “Sân khấu học đường” với việc đưa Tuồng vào trường học để đào tạo lớp kế thừa. Hi vọng những cách ứng xử với Tuồng của Quảng Nam sẽ là những bài học quý cho các địa phương trong cả nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống nói chung và Tuồng cổ nói riêng.
Mặt nạ Tuồng
Trang phục Tuồng