2.  Thực trạng về ứng phó với sự biến đổi khí hậu ở tỉnh Quảng Nam để phát triển bền vững

      Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

     Thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

      Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính.

       Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

       Để ứng phó với BĐKH, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã thực hiện được một số vấn đề sau:

2.1.  Xây dựng năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH

     Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kĩ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại những khu vực thường xuyên nhiễm mặn; ngành thuỷ sản đã đa dạng hoá đối tượng nuôi, xây dựng một số mô hình nuôi ghép như cá đối – tôm, cua – rong, tôm – rong,… thích ứng với BĐKH.

      Nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng BĐKH của người dân ở những vùng có nguy cơ, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Có phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống bão, lũ để đảm bảo yêu cầu ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân trong các vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu luôn được quan tâm.

      Các đoạn đê biển, đê sông xung yếu được nâng cấp và đã xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt. Hằng năm, các địa phương đều xây dựng phương án bảo vệ đối với các công trình trọng điểm, xung yếu. Tỉnh phối hợp các địa phương rà soát, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống công trình thuỷ lợi: hồ chứa, trạm bơm, đập dâng, đê sông, đê biển và kênh mương,… để chủ động có biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai. Tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn thực hiện nâng cấp sửa chữa hàng chục km bờ kè sông, biển; nâng cấp, sửa chữa, kiên cố đê sông, đê biển tại các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An. Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông. Củng cố và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước của các đô thị, nhất là vùng ven biển.

Đập Bara ngăn mặn ở xã Duy Thành huyện Duy Xuyên

Hiện nay, tại địa phương em đã sử dụng năng lượng tái tạo nào để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần hạn chế biến đổi khí hậu?

2.2.   Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.

     Xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã. Hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang sử dụng 2 loại bản đồ để phục vụ công tác tham mưu chỉ huy điều hành phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh:

  • Bản đồ chỉ huy phòng tránh lũ lụt theo các kịch bản mức ngập tại các trạm thuỷ văn Ái Nghĩa, Câu Lâu.
  • Bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn theo các kịch bản điều tiết lũ theo tần suất của các hồ chứa thuỷ điện.
  • Rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế – xã hội vùng và địa phương.
  • Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, lũ lụt và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt. Tính đến năm 2021 có 22.686 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở và từ năm 2021 đến 2023 có 1738 hộ dân được di dời chỗ ở để ứng phó với bão, lụt…

Giả sử em đang sinh sống ở vùng chịu tác động mạnh của triều cường, lũ lụt hoặc sạt lỡ đất, em sẽ rèn luyện kĩ năng nào để thích ứng với sự tác động đó?

2.3.  Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính

      Quảng Nam đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như: khuyến khích các đơn vị sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng định mức tiêu thụ năng lượng đối với một số ngành sản xuất công nghiệp bia, rượu và nước giải khát, giấy, thép; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới được chú trọng. Đến năm 2023, Quảng Nam có 32 dự án nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện) cho sản xuất điện với tổng công suất là 1.556,26 MW và 164,53 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được đưa vào vận hành.

     Thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng.

     Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc UBND tỉnh ban hành Quyết định về Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2020 – 2025, đã xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm 2% tổng sản lượng tiêu thụ.

Hiện nay, tại địa phương em đã sử dụng năng lượng tái tạo nào để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần hạn chế biến đổi khí hậu?

 

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *