NHỮNG LỄ HỘI ĐẶC SẮC Ở QUẢNG NAM

Lễ hội ở Quảng Nam rất phong phú, đa dạng, mang đậm chất văn hóa dân gian. Với sự náo nhiệt, cuốn hút và chứa đựng nhiều nghi thức đặc biệt.

Là vùng đất hội tụ và kết tinh nhiều nền văn hóa độc đáo, những lễ hội ở Quảng Nam trở thành “đặc sản” nơi đây. Khám phá những lễ hội này sẽ giúp bạn hiểu hơn về đời sống, văn hóa của người dân.

1. Lễ hội ở Quảng Nam vào mùa xuân

1.1. Lễ hội làng gốm Thanh Hà

  • Thời gian: ngày mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm: miếu Nam Diêu, Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam

Làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Quảng Nam. Tồn tại qua nhiều thế kỷ, nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm gốm sứ, gạch ngói chất lượng vang danh trong và ngoài nước. Lễ hội làng gốm Thanh Hà được các nghệ nhân và hàng trăm hộ dân trong làng tổ chức long trọng để cúng tổ nghề. Qua đó, người dân gửi tâm ý cầu mong cho các chư thần, tổ tiên và bậc tiền nhân phù hộ cho năm mới bình an, làng nghề ngày càng phát triển.

Sau nghi thức diễu hành sôi động từ miếu Nam Diêu về đình Thanh Chiếm dâng lễ Tổ, phần hội chính thức được bắt đầu với nhiều hoạt động náo nhiệt. Như nhiều lễ hội ở Quảng Nam khác, hoạt động văn nghệ chủ đạo trong ngày là các bài biểu diễn hát bội, hát bài chòi truyền thống của người dân nơi đây. Trong ngày lễ, rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức dạng thi đấu giữa các đội. Điển hình là: cõng nàng về dinh, chuốt gốm, nấu cơm bằng niêu đất, đập nồi, đánh trống khi bịt mắt, đua thuyền.

Lễ hội làng gốm Thanh Hà

Lễ hội làng gốm Thanh Hà là lễ hội ở Quảng Nam có truyền thống lâu đời (Ảnh: Sưu tầm)

1.2. Lễ rước cộ Bà chợ Được

  • Thời gian: tổ chức hằng năm, vào ngày 11 tháng Giêng (âm lịch)
  • Địa điểm: xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Tương truyền rằng hàng trăm năm trở về trước, nơi đây có vị nữ linh anh kiệt Nguyễn Thị Của. Bà chuyên cho thuốc cứu người, trị bọn quan tham và làm nhiều việc giúp đỡ dân làng. Đây cũng là người biến bãi cát hoang vắng thành khu chợ sầm uất, gọi là chợ Được, giúp đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân bà, người dân địa phương cùng nhau tổ chức lễ hội tại lăng Bà chợ Được.

Trong ngày lễ hội ở Quảng Nam này, hương chức và người dân sẽ tiến hành nghi thức cầu an, truy niệm cùng nhiều hoạt động văn nghệ và giải trí khác. Nổi bật là lễ rước cộ Bà, xuất phát từ lăng thờ đi vòng quanh chợ để dân chúng chiêm bái. Trong suốt cả ngày, từ sáng sớm đến khi tàn hội, có rất nhiều hoạt động được tổ chức như: hội hoa đăng, múa lân, hát dân ca, bóng đá và đua ghe.

Rước Cộ Bà Chợ Được

Rước Cộ Bà Chợ Được – Lễ hội ở Quảng Nam gắn liền với đời sống người dân Bình Triều (Ảnh: Sưu tầm)

1.3. Lễ giỗ tổ làng nghề Mộc Kim Bồng

  • Thời gian: ngày mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm
  • Địa điểm: nhà thờ Tiền hiền thôn 3 (hiện nay gọi là thôn Trung Châu), Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam

Tích xưa kể rằng ông Tổ nghề mộc Kim Bồng là người Thanh Hóa, vốn là nghệ nhân làm mộc. Trên đường đi vào Nam, ông đi ngang qua vùng đất trù phú này và đã quyết định dừng chân lập nên làng mộc Kim Bồng. Để ghi nhớ công lao xây dựng làng và cầu an năm mới, lễ giỗ tổ làng Mộc Kim Bồng được tổ chức vào mỗi đầu Xuân.

Phần lễ thường kéo dài trong 2 tiếng, bắt đầu từ 8 giờ sáng với 2 nghi thức: cúng Âm Linh trước sân và làm lễ chính trong nhà thờ. Trong đó phần lễ chính do những nghệ nhân lớn tuổi của làng tiến hành sau khi đã rửa sạch chân tay (Quán Tẩy).

Giỗ tổ làng nghề Mộc Kim Bồng

Giỗ tổ làng nghề Mộc Kim Bồng là lễ hội ở Quảng Nam điển hình, thu hút đông đảo du khách tham gia (Ảnh: Sưu tầm)

1.4. Lễ hội Nguyên Tiêu

  • Thời gian: 14 – 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm
  • Địa điểm: Hội quán Triều Châu và Quảng Triệu, Hội An

Theo phiên âm, “Nguyên” là thứ nhất, còn “Tiêu” là đêm, ghép lại, Nguyên tiêu chỉ đêm Rằm đầu tiên của một năm. Từ xa xưa, người Hoa đã rất chú trọng vào dịp này, bởi đây là lúc nhà vua mời các Trạng Nguyên dự yến tiệc, cùng thưởng trăng và thi tài làm thơ trong vườn Thượng Uyển. Thời Tây Hán còn có nghi thức rước đèn lồng quy mô lớn, rất long trọng.

Cộng đồng người Hoa tại Hội An cũng rất chú trọng lễ hội này, nhất là với những người Hoa Minh Hương và có gốc gác từ hai bang Triều Châu, Quảng Đông. Hằng năm, lễ hội Tết Nguyên Tiêu ở Hội An đều được tổ chức long trọng và trở thành lễ hội ở Quảng Nam nổi bật. Không chỉ đơn thuần là vui chơi, thưởng ngoạn, hội còn mang ý nghĩa tâm linh quan trọng. Theo đó người gốc Hoa tại Hội An sẽ làm lễ cúng các vị tiền hiền, cầu bình an và may mắn đầu năm.

Cũng như nhiều lễ hội ở Quảng Nam khác, khi kết thúc nghi lễ truyền thống, ngày hội bắt đầu với các màn múa lân, chơi vé số trong không khí nhộn nhịp. Tết Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội ở Hội An được tổ chức rất linh đình, nhộn nhịp. Ngoài cộng đồng người Hoa, lễ hội thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu và tham dự.

Tết Nguyên Tiêu ở Hội An

Hình ảnh trong Tết Nguyên Tiêu ở Hội An (Ảnh: Sưu tầm)

1.5. Lễ hội Cầu Bông

  • Thời gian: mùng 7 tháng Giêng âm lịch
  • Địa điểm: làng Trà Quế, Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam

Xuất phát từ văn hóa nông nghiệp, lễ hội Cầu Bông ở Hội An là dịp để người dân nơi đây cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống đủ đầy. Đây là một trong những lễ hội ở Quảng Nam nổi bật với sự đặc sắc cùng nhiều hoạt động thú vị, đậm sắc thái của người dân bản địa.

Phần Lễ được tổ chức tại sân đình làng, với sự góp mặt của đông đủ người dân. Tất cả mọi người cùng chung tay nhau chuẩn bị lễ vật đủ đầy để cúng các vị tiền nhân. Trong đó không thể thiếu mâm xôi hồng tượng trưng cho sự may mắn, gắn kết và mùa màng bội thu. Tiếp nối phần Lễ là nghi thức hạ niêu, sau đó những cuộc thi vui nhộn mang tính chất ca ngợi nghề nông như gánh rong, gói “tôm hữu”, cuốc đất… sẽ được bắt đầu.

Lễ hội Cầu Bông

Lễ hội Cầu Bông (Ảnh: Sưu tầm)

1.6. Lễ hội Bà Thu Bồn ở Quảng Nam

  • Thời gian: từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm: Dinh bà Thu Bồn, ven sông Thu Bồn, Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam

Đối với người dân vùng Quảng Nam, bà Thu Bồn là người có công lao gây dựng nên nghề nông – ngư nghiệp nơi đây. Hình ảnh của bà gắn liền với sức mạnh tinh thần, ý chí vươn lên, và cũng là biểu tượng của sự yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Lễ hội Bà Thu Bồn chính là dịp để cư dân nơi đây bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến bà.

Trong suốt 3 ngày hội, có rất nhiều hoạt động được tổ chức, bao gồm cả nghi thức tế lễ, cuộc thi đua thuyền, các trò chơi dân gian và những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Vào đêm cuối cùng, người dân sẽ cùng rước đuốc, thả hoa đăng trên sông, tạo nên khung cảnh rực rỡ, lấp lánh.

lễ hội Bà Thu Bồn

Nhắc đến lễ hội ở Quảng Nam, không thể bỏ quên lễ hội Bà Thu Bồn (Ảnh: Sưu tầm)

1.7. Lễ rước Thần Nông

  • Thời gian: ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm: thành phố Hội An, Quảng Nam

Chuyện xưa kể rằng ở làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ đặc biệt, khiến đàn vịt đi qua bị dính chặt chân xuống đất nên không ai dám đến gần. Nhưng khi đàn trâu lạc đến, cả trẻ chăn trâu và gia súc đều không hề hấn gì nên có tiếng đồn là vị Thần nơi đây chỉ cho mục đồng đến. Từ chuyện lạ đó, thế hệ sau dần xây dựng nên văn hóa lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng, hay còn gọi là lễ rước Thần Nông.

Lễ rước Thần Nông (Hội của trẻ chăn trâu) vốn là một trong các lễ hội ở Quảng Nam đã tồn tại từ lâu đời. Đây là dịp để người dân làm lễ tế vua Thần Nông, mong cho mùa màng bội thu, nghề nông phát triển.

Tiết mục được mong chờ nhất trong ngày hội chính là lễ rước kiệu và thỉnh Thần, bắt đầu từ sáng tinh mơ, xuất phát từ giữa đình thần. Sau khi hương khói, người đại diện làm lễ cung kính thỉnh bài vị thần Nông đặt vào trong kiệu, rước đến Cồn Thần và khấn vái hồi lâu. Đến khi gieo 2 đồng tiền được một sấp một ngửa tức là thần đã giáng. Người dân tiếp tục những tiết mục chào mừng, tỏ lòng cung kính và gửi những lời mong cầu. Sau đó đám rước về lại đình thần, người dân ai cũng hoan hỷ với niềm tin lòng thành đã được thần Mục đồng chứng dám và mùa màng sẽ được phù trợ trở nên tốt tươi, thuận lợi.

Vui chơi trong lễ rước thần Nông ở Quảng Nam

Vui chơi trong lễ rước thần Nông ở Quảng Nam (Ảnh: Sưu tầm)

1.8. Lễ tế cá Ông – Lễ hội truyền thống ở Quảng Nam

  • Thời gian: hai ngày trung tuần tháng 3 âm lịch hằng năm hoặc ngày ghi nhận có cá Ông (cá voi) mất
  • Địa điểm: Lăng cá Ông hoặc nơi có cá Ông (cá Voi) mất

Lễ tế cá Ông còn gọi là lễ tế cá Voi – một trong những lễ hội ở Quảng Nam có quy mô lớn nhất, đặc biệt là đối với các ngư dân nơi đây. Theo đó, trước khi ra khơi, các ngư dân thường làm lễ cúng cá Ông để bày tỏ sự tôn kính thần linh, đồng thời mong cầu bình an, tránh thiên tai, bão lũ khi ra biển khơi.

Trong lễ hội cá Ông ở Quảng Nam, bàn thờ trong lăng trưng bày vật phẩm đủ đầy, đồng thời tàu thuyền của cư dân sẽ được trang trí đèn hoa rực rỡ. Sau phần tế lễ, các hoạt động hát bội, hò khoan, hát bả trạo sẽ được diễn ra liên tục, khiến không khí trở nên vô cùng náo nhiệt.

Lễ tế cá Ông ở Quảng Nam

Lễ tế cá Ông ở Quảng Nam (Ảnh: Sưu tầm)

1.9. Giỗ Tổ nghề Yến

  • Thời gian: ngày 9 và ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm: xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm

Lễ giỗ Tổ nghề Yến là một trong những lễ hội ở Quảng Nam đã tồn tại từ lâu đời và vẫn được lưu truyền cho đến nay. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ tới những người đã khai sinh ra nghề khai thác Yến sào và bày tỏ sự cảm tạ với thiên nhiên, đất trời vì đã mang đến tài nguyên quý giá này cho xứ Quảng.

Trước khi diễn ra hội, người dân tiến hành tế Tổ nghề với các nghi thức trang nghiêm. Sau đó là các hoạt động truyền thống như thi kéo co, đua ghe, hát bài chòi, chợ ẩm thực.

Lễ giỗ tổ nghề Yến

Lễ giỗ tổ nghề Yến của người dân Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

1.10. Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía

  • Thời gian: ngày 13/3 hằng năm
  • Địa điểm: Nhà Rông thôn 6, xã Phước Trà, Hiệp Đức, Quảng Nam

Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía là một trong những lễ hội ở Quảng Nam có ý nghĩa đặc biệt, được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang của Làng. Dần dần, ngày lễ trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao đất Quảng, là dịp để tụ họp, giao lưu, giúp gia tăng tình đoàn kết giữa các thôn.

Từ nhiều tháng trước ngày diễn ra buổi lễ, dân làng chọn ra một con trâu đực khỏe mạnh, sung sức và chăm sóc cẩn thận. Đến sáng ngày 12/3, sau khi cúng thần nước, thần đất và con đường trâu đi qua, một cây nêu dài tới 9m với phần trang trí đẹp mắt được dựng lên ở ngay giữa sân nhà Rông. Con trâu được chọn cũng sẽ được cột vào cây nêu này.

Tiếp đó, người dân sẽ tụ họp văn nghệ, đánh chiêng trống. Gần 100 dân làng trong trang phục Ca Dong truyền thống sẽ xếp vòng tròn và múa hát quanh cây nêu. Sau khoảng 1 tiếng, một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh, tiếng tăm tốt, chưa lập gia đình đã được chỉ định trước sẽ đứng ra đâm trâu bằng cây giáo tự chế. Đến khi trâu gục hẳn, trai làng sẽ xẻ thịt và chia phần, đảm bảo nhà nào cũng có thịt mang về sau lễ hội.

Hội đâm trâu

Hội đâm trâu là lễ hội ở Quang Nam đặc sắc, đậm chất văn hóa buôn làng (Ảnh: Sưu tầm)

1.11. Lễ hội đua thuyền ở Quảng Nam

  • Thời gian: đầu tháng Giêng hằng năm, thường là mùng 6 Tết
  • Địa điểm: huyện Đại Lộc, Quảng Nam

Lễ hội là hoạt động truyền thống, được tổ chức cho người dân nơi đây trẩy hội, du xuân và cầu an đầu năm, mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt. Đồng thời, hội cũng là dịp tăng cường sự giao lưu học giỏi giữa các xã trong huyện. Thông qua sự chuẩn bị cho cuộc thi, những người tham gia cũng được rèn luyện kỹ năng bơi lội và đi ghe thuyền, phục vụ cho việc ứng cứu khi trong vùng gặp thiên tai bão lũ.

Lễ hội đua thuyền bao gồm 2 phần: phần lễ còn gọi là cúng sông thường diễn ra trước khi giải đua chính thức bắt đầu. Trong đó không thể thiếu tục dựng cây nêu cầu an nơi hành lễ. Sau đó là phần hội, diễn ra cuộc đua thuyền trong không khí sôi nổi, tưng bừng giữa các xã và thị trấn.

Lễ hội đua thuyền

Phần thi đua thuyền trong lễ hội ở Quảng Nam tổ chức tại Đại Lộc (Ảnh: Sưu tầm)

2. Lễ hội Long Chu ở Hội An – Lễ hội ở Quảng Nam vào mùa thu

  • Thời gian: ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm
  • Địa điểm: đình làng hoặc nhà chính quyền thôn, ấp

Theo cách gọi của dân gian, Long Chu là thuyền rồng, biểu tượng oai linh vốn dành cho các vua chúa thời xưa. Lễ hội Long Chu do các cư dân làng biển quanh thị xã Hội An tổ chức với mục đích tống ôn và dịch bệnh khi chuyển mùa.

Trước ngày lễ, thầy pháp đặt hương án và tiến hành yểm bùa nơi có ma quỷ. Đi theo sau có đoàn thanh niên cầm giáo mác vừa phát quang đường làng, vừa miệng hát hò đối đáp trong không khí vui nhộn. Đến ngày chính, thầy pháp sẽ tiến hành làm lễ cúng vái, sau đó diễn ra lễ rước thuyền rồng quanh làng để trừ tà ma, xua đuổi dịch bệnh. Người dân sẽ tụ tập ăn uống, múa hát và chơi các trò chơi dân gian trong suốt ngày lễ.

Rước thuyền rồng trong lễ hội Long Chu

Rước thuyền rồng trong lễ hội Long Chu (Ảnh: Sưu tầm)

3. Lễ hội được tổ chức định kỳ hằng tháng ở Quảng Nam

3.1. Lễ hội đêm Rằm phố cổ Hội An

  • Thời gian: từ 18:00 – 22:00 giờ đêm 14 âm lịch hằng tháng.
  • Địa điểm: phố cổ Hội An.

 Hội đêm Rằm – biểu tượng đặc trưng của phố cổ Hội An. Theo đó, khung cảnh và hoạt động nơi đây đều hướng tới mục đích làm sống lại cảnh phồn hoa phố thị của những năm đầu thế kỷ XX.

Vào những ngày này, khắp phố cổ Hội An đều trở nên lung linh, huyền ảo trong ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn lồng trang trí. Trong ngày, có rất nhiều hoạt động diễn ra, từ các sinh hoạt truyền thống của người dân địa phương cho tới những trò chơi dân gian thu hút du khách tham gia. Bắt đầu từ 18 giờ đến đêm khuya, cả khu phố đèn lồng Hội An đều bừng sáng, tạo nên khung cảnh rực rỡ, đầy màu sắc.

Đêm rằm phố Hội

Đêm Rằm phố Hội (Ảnh: Sưu tầm)

3.2. Lễ hội hoa đăng Hội An

  • Thời gian: ngày 1, 14 và 15 âm lịch hằng tháng, thứ 7 hằng tuần.
  • Địa điểm: phố cổ Hội An.

Lễ hội hoa đăng Hội An trên sông Hoài được tổ chức lần đầu vào tháng 9/1988. Đến nay, hoạt động này vẫn được duy trì và trở thành lễ hội ở Quảng Nam nổi bật, tạo nên nét đặc trưng trong du lịch phố Hội. Theo đó, đèn hoa đăng là nơi gửi gắm những mong cầu, ước muốn của người tham gia.

Từ 18 giờ tối, hoạt động thả hoa đăng bắt đầu diễn ra. Khi thành phố tắt đèn, nhiều người tìm đến những vị trí đẹp để thả đèn trên sông và lưu lại những bức ảnh chụp kỷ niệm. Bên cạnh đó, không ít du khách chọn dịch vụ chèo thuyền để thư giãn, ngắm cảnh, nghe hát dân ca và thả hoa đăng trên sông Hoài Hội An thơ mộng.

Ký sự Làng mộc Kim Bồng

Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà

Lễ hội rước cộ Bà chợ Được

Lễ Nguyên Tiêu Hội An

Lễ hội Bà Thu Bồn

Lễ hội Cầu Bông

Lễ giỗ tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm

Lễ hội rước Thần Nông

Lễ hội Hoa Đăng Tại Hội An

Lễ giỗ tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *