3. Định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh có nhu cầu tìm kiếm cơ hội, việc làm tại tỉnh Quảng Nam thời gian đến
Đến năm 2030, tỉ lệ người lao động qua đào tạo 75 – 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%. Giải quyết việc làm mới tăng thêm mỗi năm 15.000 lao động.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kĩ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số và chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ.
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh góp phần định hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh
Nhóm ngành trọng tâm ưu tiên: Cơ khí chế tạo, đặc biệt là sản xuất, lắp ráp ô tô và chuỗi các ngành phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; du lịch; công nghiệp năng lượng (trong đó chú trọng khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và công nghiệp tái tạo được xác định là các ngành trọng tâm ưu tiên.
Nhóm ngành kích thích, khuyến khích phát triển gồm các ngành: vận tải và logistics; lưu trú và ăn uống; thương mại; điện tử; chế biến nông sản công nghệ cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo chất lượng cao;…
Nhóm ngành duy trì phát triển: Dệt may, da giày, chế biến nông lâm thuỷ sản,… thuộc nhóm các ngành dự kiến sẽ duy trì phát triển. Đây là nhóm các ngành đã và đang có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm của tỉnh, nhưng có xu hướng tăng trưởng chậm hoặc là các ngành ít lợi thế so với các địa phương khác hoặc thuộc nhóm ngành truyền thống, thâm dụng lao động trình độ thấp, cần có sự chuyển đổi, phát triển theo chiều sâu.
Học sinh đến từ Trường Phổ thông dân tộc Nội trú và Trường THPT Nam Trà My dự Ngày hội định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023
Việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tạo ra nhiều thời cơ nhưng đặt ra áp lực lớn đối với thị trường lao động trong tỉnh, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức chuyên môn, kĩ năng và thái độ nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực và các địa phương khác sẽ chiếm lĩnh vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong tỉnh. Đặc biệt, nhân lực trong ngành công nghệ kĩ thuật – nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hoá sẽ bị tác động mạnh mẽ và có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hoá và robot.