TIỂU SỬ CHÍ SĨ ĐỖ ĐĂNG TUYỂN

      Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ngày 14/5/1856 tại làng Ô Gia, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ông còn có tên khác là Đăng Các, hiệu Hy Đào, biệt hiệu Tuý Am. Nổi tiếng là người viết chữ đẹp, giỏi thi phú nhưng Đỗ Đăng Tuyển lại lận đận trong thi cử. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù chỉ đỗ Tú tài nhưng ông vẫn được vời ra kinh đô Huế giữ một chức quan nhỏ, rồi thăng Chủ sự – Chánh lục sự ở nội các chuyên viết các bằng sắc, dụ. Tại đây, Đỗ Đăng Tuyển không chỉ được biết đến bởi ngọn bút tài hoa mà còn ở tấm lòng yêu nước nhiệt thành. Trước chính biến 1885, ông đã được phe chủ chiến của triều đình (đứng đầu là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường) phái về Quảng Nam với nhiệm vụ chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến lâu dài.

        Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương, Đỗ Đăng Tuyển đã có mặt ngay trong hàng ngũ sĩ phu Quảng Nam, tham gia thành lập Nghĩa hội, mà Hội chủ là Tiến sĩ Trần Văn Dư. Ông giữ chức Đội biện quân lương, công việc chủ yếu là lo vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội. Theo đánh giá của sử quán triều Nguyễn, Đỗ Đăng Tuyển là một nhân vật trọng yếu của Nghĩa hội Quảng Nam. Cuối năm 1887, sau 3 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh, Nghĩa hội Quảng Nam thất bại. Tuân theo mệnh lệnh cuối cùng của Hội chủ, Tán tương Đỗ Đăng Tuyển cùng các nghĩa quân vùng Vu Gia trở về quê sống đời dân dã, thu mình và giấu chí chờ thời cơ. Để che mắt giặc, Đỗ Đăng Tuyển giả vờ như chẳng còn thiết tha với thời cuộc, mỗi ngày chỉ mượn men rượu, ngâm nga thơ phú để tiêu dao ngày tháng. Bọn địch theo dõi thấy yên tâm vì vị Tán tương uy vũ ngày nào chỉ còn là một “Lão tuý ông” (ông già say). Kỳ thực ra, Đỗ Đăng Tuyển vẫn âm thầm liên lạc với các đồng chí cũ như Tiểu La Nguyễn Thành ở Thăng Bình, Châu Thượng Văn ở Hội An để mưu việc lớn.       Còn Sào Nam Phan Bội Châu, đầu thế kỷ XX, trên bước đường đi liên kết hào kiệt bốn phương, đã dừng chân ở Quảng Nam, nơi có nhiều chiến sĩ Cần Vương cũ, mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” nổi tiếng cả nước. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, theo sự giới thiệu của Tiểu La Nguyễn Thành, mùa xuân Quý Mão (1903), người hào kiệt đất Nghệ An đã tìm đến làng Ô Gia (Đại Cường, Đại Lộc) mật hội cùng “Lão tuý ông” Đỗ Đăng Tuyển. Đây là một mốc son đánh dấu mối quan hệ thâm tình giữa hai anh hùng của xứ Nghệ và xứ Quảng cùng tâm đầu ý hợp lo việc nước. Sau này, trong “Việt Nam nghĩa liệt sử”, Sào Nam nhớ lại những kỷ niệm khó quên về một người đồng chí rất đỗi thân thương: “Sào Nam vào Quảng Nam do Nam Thạnh (tức Tiểu La) mà được gặp ông, cùng ông ăn gà uống rượu nhiều lần ở nhà ông, cùng nhau chuyện trò vui vẻ”. Thượng tuần tháng tư năm Giáp Thìn (1904), tại Nam Thạnh sơn trang của Tiểu La Nguyễn Thành, một cuộc họp quan trọng để thành lập Hội Duy Tân, được tổ chức. Trong cuốn “Tự phán”, Phan Bội Châu chỉ nhắc đến tên 5 người dự họp hôm đó: Tiểu La, Trình Hiền, Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân và gọi đó là những hội viên trọng yếu. Trình Hiền không ai khác chính là “Lão tuý ông” Đỗ Đăng Tuyển! Như vậy, vị Tán tương của Nghĩa hội mười mấy năm trước đã trở thành một trong những sáng lập viên của một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước vào đầu thế kỷ XX: Hội Duy Tân, mà Phan Bội Châu là Hội chủ.        Sự nghiệp cách mạng của Sào Nam Phan Bội Châu thời gian sau đó luôn gắn liền với sự hỗ trợ đầy hiệu quả của Đỗ Đăng Tuyển. Khi Phan Bội Châu cần một khoản lộ phí để vượt biển sang Nhật tìm đường cứu nước, chỉ trong thời gian ngắn, bằng năng lực và uy tín của mình, Đỗ Đăng Tuyển cùng với Nguyễn Thành đã lo liệu được ba ngàn đồng- một số tiền không nhỏ vào thời bấy giờ. Tháng Chạp năm Tân Tỵ (1905), Đỗ Đăng Tuyển tham gia một cuộc họp khá quan trọng tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành nhằm phân công nhiệm vụ cho các hội viên trọng yếu trước khi Hội chủ Phan Bội Châu xuất dương. Đây là lần cuối cùng Đỗ Đăng Tuyển gặp Phan Bội Châu. Buổi chia tay đầy bịn rịn, người đi kẻ ở, không ai cầm được nước mắt nhưng đều cùng chung quyết tâm: sớm trả thù nhà, đền nợ nước. Đỗ Đăng Tuyển được phân công trợ lực cho Nguyễn Thành phụ trách công việc của Hội Duy Tân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào. Ông sốt sắng tham gia lập thương hội, vận động góp cổ phần, khuếch trương tài chính cho Hội, song thực chất là quyên góp bí mật ủng hộ cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Trong “Thi tù tùng thoại”, Huỳnh Thúc Kháng có ghi: “Cụ Sào ở ngoài, sau Tây Hồ và Tiểu La bị đày mà trong khoảng vài năm, phong trào Đông học còn lừng lẫy, ảnh hưởng không dứt, chính là nhờ sức Ngư Hải (tức Đặng Thái Thân), trong miền Nam thì có Sơn Tẩu (tức Đỗ Đăng Tuyển) và Nam Xương( tức Thái Phiên)”.         Sau vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 (khởi phát từ Đại Lộc, Quảng Nam), Nguyễn Thành bị bắt. Đỗ Đăng Tuyển cùng với Thái Phiên đảm nhận công việc điều hành Hội Duy Tân thay cho Nguyễn Thành và hỗ trợ cho Đặng Thái Thân ở Nghệ Tĩnh. Một điều không may cho Hội Duy Tân là hai năm sau đó Đỗ Đăng Tuyển bị rơi vào tay giặc. Ông bị giam ở nhà lao Hội An, sau đó bị giải ra Nghệ An để đối chất với các đồng chí khác. Với bản án ngày 17/10/1910 của Tổng đốc Nghệ Tĩnh Trần Đình Phúc và được Phủ Phụ chánh phúc duyệt ngày 17/02/1911, Đỗ Đăng Tuyển bị kết tội: ám thông tin tức, xuất của quyên trợ, đồng mưu phản nghịch và bị kết án khổ sai mười năm, tịch thu sắc bằng, áo mũ và gia sản.        Ở nhà lao Nghệ An, Đỗ Đăng Tuyển đã 2 lần tìm đến cái chết để giữ tròn khí tiết. Một lần, ông giấu được một cái muỗng rồi mài nhọn, rạch bụng tự sát nhưng bọn cai ngục phát hiện, kịp thời cứu sống. Lần khác, ông cắn lưỡi nhưng cũng không chết. Thấy giam chung các tù chính trị bên nhau không ổn, nhất là sợ ý chí bất khuất của Đỗ Đăng Tuyển sẽ ảnh hưởng đến tâm lý những bạn tù khác, bọn giặc đày ông lên nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây, người con tài hoa của đất Quảng, một trong những yếu nhân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và Hội Duy Tân, đã tuyệt thực bảy ngày và qua đời vào ngày mồng 4 tháng tư năm Tân Hợi, tức ngày 2.5. 1911, khi mới 55 tuổi. Cho đến lúc ấy, Đỗ Đăng Tuyển cùng với Châu Thượng Văn là những người đầu tiên trên thế giới đấu tranh với kẻ thù bằng hình thức tuyệt thực, trước cả lãnh tụ Gandhi của Ấn Độ. Bình luận về hành động anh hùng này, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã viết trong “Thi tù tùng thoại” rằng: “Bị giam trong ngục mà nhịn ăn từ thánh Cam Địa (Gandhi) Ấn Độ về sau, nhiều nơi bắt chước đã thành việc cơm bữa không gì lạ. Nhưng Châu quân (tức Châu Thượng Văn), Đỗ quân (tức Đỗ Đăng Tuyển) lại trước Cam Địa và nhất định tuyệt thực cho đến chết, cao hơn thánh hùng Cam Địa một bậc nhỉ!”.
        Đau đớn trước cái chết của người bạn tri kỷ, người đồng chí thân yêu, Phan Bội Châu đã chép tiểu sử Đỗ Đăng Tuyển trong “Việt Nam nghĩa liệt sử” với bài thơ điếu bằng chữ Hán, được Tôn Quang Phiệt dịch như sau: “Mưa gió liền năm dài,/ Càn khôn sót một già/ Đánh thù lòng như đá,/ Lo nước tóc thành tơ/ Thơ rượu sầu thần thánh,/ Non sông mộng ngày thơ/ Suối vàng khoe với bạn,/Hơn Di, Tề ngày xưa”.
Hai mươi ba năm sau ngày mất của Đỗ Đăng Tuyển, trong những ngày tháng bị quản thúc tại Huế, Sào Nam Phan Bội Châu vẫn khôn nguôi nhớ thương bạn tâm giao. Ông có bài thơ khóc bạn: “Đau đời nên phải nhớ tiên sinh,/ Ưu quốc xưa nay bậc lão thành/ Tay trắng đỡ liều vai gánh nặng,/ Lòng son đưa trước bạn đầu xanh/ Bội Châu không bác e vô sự,/Lao Bảo nhờ ông mới có danh/ Tiếc bác lấy gì an ủi bác,/ Một chung rượu lạt, máu thần minh”.        Giờ đây “Lão tuý ông” Đỗ Đăng Tuyển đã được yên nghỉ vĩnh hằng tại quê nhà (Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam). Và một điều hết sức lý thú là, cách ngôi mộ của ông không xa là ngôi trường trung học cơ sở khang trang mang tên người đồng chí- Phan Bội Châu. Phải chăng lúc sống và cả khi đi vào “thế giới bên kia”, hai con người tài hoa ấy đều muốn ở bên nhau!
ST (Cổng TT điện tử Đại Lộc)

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *