4. Một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt giao lưu, hội nhập văn hóa ở tỉnh Quảng Nam
Giao lưu hội nhập văn hóa vốn là một hoạt động tự nhiên giữa các cộng đồng văn hóa gần gũi nhau về phương diện địa lý và trong thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, các cộng đồng văn hóa có thể giao lưu với bất kỳ địa phương, quốc gia nào trên thế giới.
Nhận thấy vai trò và lợi ích của việc giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế, tỉnh Quảng Nam chủ động ban hành các văn bản pháp lý, tạo cơ sở cho hoạt động này diễn ra đúng lộ trình và đạt được những mục tiêu đề ra. Đó là việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 1972/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 về việc thực hiện công tác hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030. Theo Quyết định, về lĩnh vực hội nhập văn hóa, tỉnh Quảng Nam tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa trong giai đoạn mới của tỉnh Quảng Nam (sau khi Chính phủ có Quyết định ban hành Đề án Chiến lược Ngoại giao Văn hóa trong giai đoạn mới); Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển du lịch và du lịch cộng đồng của tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam đã tạo được khuôn khổ quan hệ hợp tác, hữu nghị, ổn định lâu dài, đan xen lợi ích với các địa phương của các nước; tiếp tục duy trì các mối quan hệ hữu nghị sẵn có với 11 địa phương của các quốc gia Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Bê – la – rút, Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng nhiều đến việc duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, du lịch, đầu tư với các nước, các tổ chức quốc tế. Căn cứ trên tổng thể mối quan hệ cấp quốc gia cũng như định hướng phát triển quan hệ của Đảng, Nhà nước đối với từng đối tác, đồng thời trên cơ sở nhu cầu phát triển của tỉnh nhà mà Quảng Nam sẽ xác định tập trung phát triển quan hệ hợp tác vì mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực, nông nghiệp, công nghiệp…hoặc có thể bao gồm tất cả những mục tiêu này.
Hội An tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa.
Để có thể thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh Quảng Nam đã đề ra một số nhóm giải pháp cụ thể, đó là:
– Thứ nhất, với một lĩnh vực rộng, đa ngành, thiên về năng lực sáng tạo là giao lưu văn hóa, cần chú trọng lựa chọn cán bộ quản lý chủ chốt là các chuyên gia vừa có trình độ chuyên môn, vừa am hiểu cơ chế quản lý để chỉ đạo sát hợp, hiệu quả.– Thứ hai, cần kiện toàn công tác quản lý, giám sát các hoạt động quảng bá và tiếp nhận các giá trị văn hóa, không chỉ thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, điều chỉnh chính sách, mà còn là áp dụng công nghệ hiện đại trong lưu trữ, phân tích, xử lý, phân phối các sản phẩm văn hóa, chia sẻ thông tin và bảo đảm an toàn nội dung thông tin
– Thứ ba, cần chú ý đến yếu tố truyền thông, vai trò của truyền thông đại chúng trong giao lưu văn hóa.
– Thứ tư, giao lưu văn hóa gắn bó hữu cơ với ngoại giao văn hóa nên phải thống nhất nhận thức của mọi cấp, ngành, xã hội trong việc thúc đẩy sâu, rộng chính sách ngoại giao văn hóa,
– Thứ năm, việc thưởng phạt, tôn vinh, sử dụng, đãi ngộ người tài trong hoạt động giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại cần thực hiện công bằng, kịp thời.
– Thứ sáu, cần đầu tư đầy đủ, kịp thời cả về con người và cải tiến bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giao lưu văn hóa.