1. Vai trò việc giao lưu, hội nhập văn hóa của tỉnh Quảng Nam
Xu thế mở cửa và hội nhập diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong những thập kỉ qua đã tạo ra những tiền đề, những cơ hội để Quảng Nam với những đặc trưng văn hóa của mình được giao lưu, quảng bá với các địa phương, quốc gia khác trên thế giới. Và ngược lại, cũng chính trong quá trình giao lưu đó, Quảng Nam có dịp được chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các địa phương, quốc gia khác để làm phong phú, đa dạng thêm cho nền văn hóa của mình.
Việc giao lưu hội nhập văn hóa quốc tế góp phần nâng cao nhận thức của người dân Quảng Nam về giá trị của các di sản văn hóa cũng như ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh.
Thông qua các sự kiện giao lưu văn hóa, Quảng Nam đã kết nối hữu nghị và hợp tác với nhiều địa phương, đối tác của các quốc gia trên thế giới gồm: tỉnh Sê Koong và tỉnh Chămpasak (Lào), thành phố Osan, thành phố Yongin, thành phố Gwang- yang, Trường Đại học nữ sinh Dongduk (Hàn Quốc), tỉnh Moghilev (Belarus), tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), tỉnh Nagasaki, Hội đồng dân biểu tỉnh Nagasaki, thành phố Kinokawa (Nhật Bản), Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác kinh tế, đối ngoại của địa phương. Trong năm 2022, Quảng Nam đón gần 4,8 triệu lượt khách tham quan, lưu trú du lịch, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu du lịch đạt 3.800 tỷ đồng. Quảng Nam cũng đã ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực điều dưỡng và tiếp nhận thực tập sinh với tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), tạo điều kiện cho hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, đặc biệt sản xuất các linh kiện, phụ tùng của Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) cho Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco)….