1.  Mở đầu

Môi trường là không gian, nơi ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trong quá trình sống, một số hoạt động của con người đã ảnh hưởng đến môi trường. Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết cần phải đặt ra đối với cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương của Tỉnh Quảng Nam năm 2020

Bờ biển ở xã đảo Tam Hải ngập tràn rác thải như túi nilon, những vật dụng gia đình.

Nguồn nước bên cạnh cụm công nghiệp An Lưu-Điện Bàn bị ô nhiễm nặng do chất thải

2.  Khái niệm bảo vệ môi trường

2.1.  Bảo vệ môi trường là gì?

Bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

2.2.  Một số biện pháp bảo vệ môi trường:
  • Bảo vệ rừng và trồng cây xanh

+ Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích 729.756,80 ha được quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 139.895,80 ha quy hoạch cho rừng đặc dụng, 315.812,5 ha quy hoạch cho rừng phòng hộ và 274.048,5 ha quy hoạch cho rừng sản xuất. Khu vực có rừng tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và một phần ở các huyện trung du. Diện tích đất có rừng 680.249,67 ha bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trồng chưa thành rừng. Độ che phủ rừng đến năm 2021 đạt gần 60%. Phấn đấu diện tích rừng trồng mới hằng năm hơn 20.000 ha.

+ Rừng có vai trò rất quan trọng đối với môi trường. Tuy nhiên, nạn khai thác rừng bừa bãi, kĩ thuật canh tác nương rẫy lạc hậu hiện nay vẫn đang diễn ra ở một số địa phương của tỉnh Quảng Nam. Vì vậy cần phải bảo vệ rừng.

Bảo vệ rừng Quảng Nam          

Trồng rừng ngập mặn ở Quảng Nam

  • Sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên

+ Rác thải nhựa khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên (mất từ 400 đến 1000 năm mới có thể phân huỷ). Rác thải nhựa sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì vậy, nên sử dụng và sản xuất các sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Sản phẩm làm từ mo cau thân thiện với môi trường Hợp tác xã Nông nghiệp kĩ nghệ Quảng Nam

  •  Phân loại và xử lí chất thải

Chất thải được chia thành 2 nhóm: Chất thải thông thường và chất thải nguy hại.

+ Chất thải thông thường bao gồm chất hữu cơ như: chất thải làm vườn, thực phẩm thải, xác súc vật, phân động vật, rơm rạ trên đồng ruộng, chất vô cơ như thuỷ tinh, sành sứ, kim loại, giấy, cao su, nhựa, túi nilon, vải, đồ điện, đồ chơi,… và các tạp chất khác.

+ Chất thải nguy hại phát sinh ở hầu hết các hoạt động sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất, y tế và nông nghiệp,… Riêng chất thải nguy hại công nghiệp ở Quảng Nam chiếm một tỉ lệ khá lớn, đa dạng về chủng loại, thành phần và thường tập trung ở các loại hình công nghiệp như khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, lắp ráp ô tô, gia công, tạo hình kim loại, sản xuất linh kiện ô tô, sản xuất giày da,…

  • Phân loại, tái chế, tái sử dụng các thành phần có trong chất thải là biện pháp góp phần tiết kiệm được tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Đối với các chất thải rắn trong sinh hoạt được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; chất thải hữu cơ dễ phân huỷ được chế biến làm phân compost; giấy,… thu gom để bán phế liệu, tận dụng để tái chế các sản phẩm nhựa, kim loại. Ví dụ: nhà máy chế biến rác thải làm phân vi sinh ở Hội An – Quảng Nam…

+ Đối với chất thải nguy hại như dầu động cơ, dầu thuỷ lực, dầu hộp số, bôi trơn, các thiết bị linh kiện điện tử,… được thu hồi, tái chế. Ví dụ: nhà máy tái chế dầu công nghiệp, dầu thải và tiêu huỷ chất thải nguy hại của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Sinh tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc – Quảng Nam.

  •  Xử lí nước thải

Nước thải ở Quảng Nam có 4 nguồn chính đó là: nước thải nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và y tế. Nước thải nếu không được xử lí đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí,…

Xử lí nước thải là quá trình loại bỏ chất ô nhiễm ra khỏi nước thải. Bao gồm các quá trình vật lí, hoá học, và sinh học để loại bỏ các chất ô nhiễm và sản xuất nước thải được xử lí an toàn với môi trường.

Nước thải được xử lí bằng các phương pháp:

+ Phương pháp lí học: Sử dụng các song chắn rác, bể lắng cát,…

+ Phương pháp hoá – lí: Trung hoà nước thải, keo tụ tạo bông,…

+ Phương pháp sinh học: Phương pháp kị khí, phương pháp hiếu khí.

  • Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức: đây là biện pháp quan trọng, mang tính bền vững: phát tài liệu, ấn phẩm truyền thông; tổ chức tuyên truyền về quản lí, bảo vệ rừng, phân loại và xử lí rác thải; lồng ghép tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt khối phố, thôn, bản,…

Tổ chức các hoạt động xanh: tổ chức các hoạt động thu gom rác thải ở bãi biển, vệ sinh môi trường thông qua “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày môi trường Thế giới”,…

Vớt rác trên sông Hoài, Hội An

Theo báo cáo của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Quảng Nam, năm 2021 đã vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ 7.421 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng nhà tắm và sử dụng nước sạch. Vận động đào gần 2.100 hố rác hữu cơ tại hộ gia đình, trao gần 2000 giỏ nhựa đi chợ cho hội viên phụ nữ. 100% cấp cơ sở Hội thực hiện công trình bảo

vệ môi trường như: tham gia trồng cây xanh, các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình “làng quê không rác thải”, “nhà sạch, vườn đẹp”, “đoạn đường phụ nữ tự quản”, mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp”, xây dựng công trình vệ sinh cho hội viên phụ nữ nghèo… góp phần xây dựng môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

2.  Xử lí chất thải bằng vi sinh vật

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngành Công nghệ Sinh học có vai trò rất quan trọng. Nhiều quy trình công nghệ xử lí ô nhiễm môi trường được xây dựng trên cơ sở tham gia tích cực của vi sinh vật (VSV), bao gồm: xử lí rác thải, nước thải, phân huỷ các chất độc hại, cải tạo và phục hồi môi trường.

  • Xử lí rác thải bằng vi sinh vật: Xử lí rác thải bằng vi sinh vật là công nghệ áp dụng hoạt động của các loài vi sinh có khả năng phân huỷ rác thành các thành phần nhỏ hơn, các sản phẩm trao đổi chất của vi sinh vật hoặc các loại khí CO2, CH4,…

+ Nguyên lí hoạt động của các nhóm vi sinh vật:

Quá trình sinh hoá đều diễn ra trong đống ủ nhờ vào hoạt động của các nhóm vi sinh vật. Những vi sinh vật này sẽ sử dụng các hợp chất hữu cơ có trong rác thải để làm nguồn thức ăn, cung cấp dinh dưỡng cho hoạt động sống của mình.

Để thu được hiệu quả tối ưu nhất, trong quá trình ủ tuỳ vào đặc điểm của các loại vi sinh vật mà ta có biện pháp ủ cho phù hợp.

+ Sơ đồ quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh vật chức năng:

+ Ưu điểm của phương pháp sử dụng vi sinh vật phân huỷ rác thải:

Các chủng vi sinh vật tham gia vào quá trình phân huỷ có hoạt tính sinh học cao như khả năng sinh phức hệ enzyme cellulase cao và ổn định.

Đa số chủng vi sinh đều sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thực tế của đống ủ.

Sử dụng vi sinh sẽ giúp cải tạo đất, mang đến nguồn dinh dưỡng cho thực vật vì sau quá trình ủ sẽ tạo ra nguồn phân bón.

Quá trình này không gây độc cho người, cây trồng, động, thực vật hay vi sinh vật có trong đất.

– Xử lí nước thải: Nước thải là nước đã qua sử dụng có chứa các hợp chất hữu cơ, vô cơ, các vi sinh vật gây hại nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thành phần và mức độ gây ô nhiễm phụ thuộc vào chúng có nguồn gốc từ sinh hoạt, dịch vụ như khu công nghiệp hay nông nghiệp, y tế,…

Ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sự sống, phát triển, độ đa dạng của hệ động, thực vật cũng như sức khoẻ của con người.

Khu vực đầu nguồn của mương Cầu đấu nối với cống xả nước thải của khu công nghiệp Bắc Chu Lai

Quy trình xử lí nước thải:

Quy trình xử lí nước thải gồm 3 giai đoạn chính:

  • Xử lí nước thải bậc 1: Sử dụng phương pháp sàng lọc, kết tủa các hạt có kích thước nhỏ để tách riêng rác thải rắn hữu cơ hay vô cơ ra khỏi nước rồi lắng đọng trong bể chứa thành bùn, còn phần nước được đưa sang xử lí ở bước tiếp
  • Xử lí nước thải bậc 2: Đây là giai đoạn xử lí sinh học, phương pháp này dựa vào khả năng sống và hoạt động của các vi sinh vật để phân huỷ và ôxy hoá các chất hữu cơ ở dưới dạng keo và hoà tan tồn tại trong nước thải.

Trạm xử lí nước thải khu công nghiệp Tam Thăng 2, thành phố Tam Kỳ

Vi sinh vật dị dưỡng sử dụng nguồn chất hữu cơ có sẵn trong nước thải để phân huỷ các chất hữu cơ hình thành nguồn năng lượng và cacbon mới.

Vi sinh vật tự dưỡng oxi hoá chất vô cơ để hấp thụ năng lượng và sử dụng nguồn CO2 trong quá trình tổng hợp mới.

Tuỳ vào đặc điểm của nước thải mà người ta có thể xử lí kị khí, hiếu khí hay phối hợp cả hai.

  • Xử lí nước thải bậc 3: Đây là giai đoạn làm sạch nước thải hơn nữa bằng việc giảm các chỉ số BOD, loại bỏ hàm lượng nitrogen tồn tại ở dạng hợp chất vô cơ, loại bỏ kim loại nặng, các chất hữu cơ, vi sinh vật,…

Tuỳ vào nước thải đầu vào và quy chuẩn nước đầu ra mà người ta xử lí nước thải bậc một, bậc hai hay bậc ba.

Mô tả, xác định ảnh hưởng của hoạt động đến môi trường

Similar Posts