1. Mở đầu

  • Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, tỉnh Quảng Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Bên cạnh thành tựu đạt được thì những tệ nạn xã hội cũng diễn biến phức tạp và có nguy cơ làm vẩn đục đời sống văn hoá, băng hoại các giá trị truyền thống dân tộc.
  •  Nhận thức rõ tác hại của tệ nạn xã hội, những năm qua các cấp chính quyền chỉ đạo cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền, giáo dục và xử lí nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội được xác định là khó khăn, lâu dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
  • Đối với ngành giáo dục, việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh nhận diện các tệ nạn xã hội trở nên cấp thiết bởi học sinh thuộc đối tượng có nguy cơ cao, dễ chịu tác động, ảnh hưởng bởi môi trường xã hội. Do vậy mỗi cơ sở giáo dục cần giúp học sinh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc ngăn ngừa, bài trừ tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

2.  Khái niệm tệ nạn xã hội

  • Tệ nạn xã hội là hiện tượng tiêu cực, biểu hiện thông qua các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
  • Hiện nay, tệ nạn xã hội diễn biến rất phức tạp, tồn tại dưới nhiều hình thức như cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, mại dâm, đua xe trái phép, mê tín dị đoan,… Những tệ nạn đó không chỉ để lại hậu quả xấu cho bản thân người tham gia mà còn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.
  • Tệ nạn xã hội luôn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là với trường học nếu cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên và học sinh chủ quan, mất cảnh giác.

3.  Một số tệ nạn xã hội phổ biến hiện nay

3.1.  Tệ nạn nghiện ma tuý
  • Ma tuý có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp, là chất kích thích, ức chế thần kinh, dễ gây nghiện đối với người sử dụng. Do vậy, ma tuý chỉ được phép sử dụng trong lĩnh vực y tế, nhưng nếu sử dụng trong đời sống xã hội là vi phạm pháp luật, thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
  • Ma tuý tác động lên hệ thần kinh người sử dụng gây ảo giác, hưng phấn, làm giảm cơn đau. Người nghiện ma tuý có xu hướng tăng liều dùng để thoả mãn cơn nghiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, hạn chế trí tuệ, giảm sút chất lượng cuộc sống.
3.2.  Tệ nạn đánh bạc trái phép
  • Đánh bạc trái phép là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được thua gắn với lợi ích vật chất (tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác).
  • Tệ nạn đánh bạc trái phép “ẩn náu” dưới nhiều hình thức như: số đề, tổ tôm, đỏ đen, tú lơ khơ, tá lả, xóc đĩa, binh sập xám, tài xỉu, xì tố, xì lắc, chọi gà, cá độ trong thể thao,… Tệ nạn này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cá nhân, gia đình người chơi mà còn là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác.

Công an tỉnh Quảng Nam triệt xoá thành công nhóm nghi phạm tổ chức đánh bạc trái phép

3.3.  Tệ nạn lạm dụng bia, rượu
  • Bia rượu là những chất kích thích ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần người sử dụng. Lạm dụng bia rượu trong thời gian dài có thể tổn hại sức khoẻ người sửdụng, giảm năng suất lao động. Tệ nạn bia rượu còn là nguyên nhân phổ biến của tình trạng bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, mại dâm,…
  • Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), mỗi năm có hơn 3 triệu cái chết do bia rượu gây ra. Trong đó, sử dụng bia rượu gây tai nạn dẫn đến tử vong chiếm 28%, rối loạn tiêu hoá 21%, bệnh tim mạch 19%. Các trường hợp tử vong còn lại do mắc bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn tâm thần và các vấn đề khác. Nhìn chung, bia rượu liên quan đến 200 căn bệnh, thương tật và là nguyên nhân của 5% gánh nặng y tế trên toàn cầu.
  • Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ nam vị thành niên, thanh niên có sử dụng rượu bia là 79,9%, nữ là 36,5%; trong đó 66,5% nam và 22% nữ đã từng bị say bia rượu. Tỉ lệ sử dụng bia rượu trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14 – 17 tuổi) rất cao, với 47,5%. Mỗi năm, gần 80.000 người Việt Nam chết vì uống bia rượu.
  • Hệ luỵ của bia rượu không chỉ dừng lại ở số người chết hay bị bệnh mà còn dẫn đến những mảnh đời bất hạnh, gia đình tan nát, trẻ em bị bạo hành, thất học, mồ côi,…
3.4.  Tệ nan đua xe trái phép
  • Đua xe trái phép là hành vi điều khiển xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, chạy quá tốc độ, không có bảo hộ đúng theo quy chuẩn, không có làn đường riêng, không được sự cho phép cơ quan có thẩm quyền.
  • Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tệ nạn đua xe trái phép nhưng chủ yếu do ý thức yếu kém của người tham gia giao thông và hạn chế trong công tác giáo dục, quản lí của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi đó đối tượng tham gia tệ nạn đua xe trái phép phần lớn là thanh thiếu niên.
  • Việc tụ tập dàn hàng ngang đua xe, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng,… và đám đông cổ vũ đua xe thường gây rối trật tự công cộng. Đua xe trái phép không chỉ gây nguy hiểm tính mạng người đua xe mà còn đe doạ tính mạng của người tham gia giao thông. Thực tế đã có những tai nạn đau lòng xảy ra, chính bản thân, gia đình có người tham gia hành vi này phải gánh chịu hậu quả tàn phế suốt đời.

Ảnh minh họa nhóm học sinh đua xe trái phép bị công an bắt giữ

3.5.  Tệ nạn trộm cắp, cướp giật tài sản
  • Trộm cắp là một hành vi phạm tội khi một người hoặc một nhóm người lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, đối tượng tác động có thể là tiền, dịch vụ, thông tin,… mà không có sự cho phép của chủ nhân (theo Điều 138, Bộ luật Hình sự Việt Nam, năm 1999).
  • Cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản người khác một cách nhanh chóng để tránh phản kháng của chủ tài sản.
  • Tệ nạn trộm cắp, cướp giật tài sản diễn biến rất khó lường bởi phương thức, hành động của đối tượng này rất manh động, liều lĩnh. Kẻ trộm cắp, cướp giật thường đội lốt, cải trang, “núp bóng” dưới nhiều diện mạo khác nhau nên rất khó phân biệt với người xung quanh. Thời điểm kẻ gian thực hiện các hành vi này thường là lúc người dân chủ quan, không phòng bị, vắng nhà, đi một mình trên đoạn đường vắng người qua lại,… Đặc biệt, khi các đối tường này tiếp cận “mục tiêu”, nếu vấp phải sự chống đối, cản trở thì bọn chúng có thể manh động sử dụng hung khí để trấn lột tài sản, có thể gây thương tích, giết người cướp của.
  • Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nếu không may bị cướp giật tài sản hoặc bị khống chế để cướp tài sản, chúng ta phải giữ bình tĩnh, xử lí linh hoạt tránh thương vong cho bản thân; cần quan sát kĩ đặc điểm nhận dạng của đối tượng như: vóc dáng, giọng nói, các đặc điểm dễ nhận biết, phương tiện sử dụng, biển số xe để cung cấp cho cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra, xử lí đối tượng theo quy định. Đồng thời, khi phát hiện có đối tượng cướp giật tài sản, mọi người dân xung quanh phải hô hoán và báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh theo số điện thoại 113 và cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lí.
3.6.  Tệ nạn nghiện chơi game
  • Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), chứng nghiện game là một bệnh lí tâm thần. Đó là tình trạng sử dụng quá nhiều thời gian vào các trò chơi trên máy tính, internet, mạng xã hội gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Hiện nay, tệ nạn nghiện game tuổi học đường ngày càng gia tăng và đang được dư luận xã hội rất quan tâm bởi những hệ luỵ của nó: sa sút về thể lực và tinh thần, giảm trí nhớ, bỏ bê việc học hành, đặc biệt là người nghiện game thường không kiểm soát được hành vi của bản thân, cảm xúc dễ bị biến đổi, bồn chồn, hay cáu kỉnh, thậm chí xuất hiện những triệu chứng rối loạn, mất ngủ, chán ăn, loạn thần, giảm sút năng lượng, suy nghĩ và hành vi lệch lạc,… Với tệ nạn nghiện game, thế giới ảo đã và đang nhấn chìm tương lai của tuổi trẻ.

Ảnh minh hoạ tệ nạn nghiện game

3.7.  Tệ nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao
  • Thế giới đang bước vào thời kì công nghệ 4.0. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển, chuyển dịch nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ kĩ thuật hiện đại cũng kéo theo thực trạng tội phạm công nghệ cao ngày một phức tạp, gây ra những hậu quả rất lớn.
  • Giáo trình “Những vấn đề cơ bản về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” của Học viện Cảnh sát nhân dân định nghĩa tội phạm sử dụng công nghệ cao là “Tội phạm được thực hiện bằng việc cố ý sử dụng tri thức, kĩ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lí, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.
  • Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 phân loại tội phạm công nghệ cao thành 2 nhóm; Nhóm 1 là “Tội phạm sử dụng công nghệ cao thuần tuý” gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính. Nhóm 2 là tội phạm “truyền thống” nhưng sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
  • Việc nhận thức được tính chất, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm công nghệ cao là rất cần thiết, giúp công tác phòng chống loại tội phạm này hiệu quả.

4.   Các mô hình, hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Trước thực trạng phức tạp và nguy hiểm của các loại tệ nạn xã hội, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc. Phong trào toàn dân phòng chống tệ nạn xã hội được triển khai sâu rộng từ trung ương đến địa phương. Vai trò lãnh đạo của chính quyền, đoàn thể được phát huy, ý thức nhân dân về phòng chống tệ nạn xã hội được nâng cao. Công tác phòng ngừa tệ nạn được thực hiện tốt, xử lí nghiêm những vụ việc vi phạm bị phát hiện đã góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đem lại đời sống bình yên cho cộng đồng.
  • Nhiều điạ phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xây dựng mô hình phòng chống tệ nạn xã hội hiệu quả và được nhân rộng trong thời gian qua như:

+ Tổ tự quản an ninh trật tự ở khu dân cư.

+ Tiếng loa an ninh.

+ Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội. (…)

  • Phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Dưới sự chỉ đạo của Sở GDĐT và Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục không ngừng tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống, tư vấn tâm lí học đường cho học sinh,… Nhiều đơn vị trường học thực hiện hiệu quả mô hình phối hợp với công an địa phương, với phụ huynh học sinh trong công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh xây dựng lối sống lành mạnh, kĩ năng phòng chống tệ nạn xã hội. Các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ra đời, hoạt động thiết thực, thông qua hoạt động vui chơi học sinh được nâng cao nhận thức, góp phần ngăn ngừa, hạn chế được nhiều tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào trường học.

 

Phong trào thể dục thể thao trong học đường

Similar Posts