1. Một số định hướng phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam
Từ một tỉnh gần như nghèo nhất cả nước sau khi tách tỉnh năm 1997, đến nay, tỉnh Quảng Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để hội nhập, phát triển. Với quyết tâm xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kì 2020 – 2025 ban hành nhiều chính sách chiến lược.
1.1. Phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ
Phát triển, khớp nối các tuyến Đông – Tây, phát triển vùng Đông làm động lực để thúc đẩy phát triển vùng Tây; đầu tư nâng cấp, khai thác sân bay Chu Lai là một trong những khâu đột phá nhằm phát triển đồng bộ các ngành, bảo đảm kết nối các địa phương, kết nối giao thông đô thị nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm như quốc lộ 14H kết nối hai di sản Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, đường Võ Chí Công kết nối vùng Đông Quảng Nam từ Cửa Đại đến sân bay Chu Lai, quốc lộ 14E kết nối vùng Tây với vùng Đông của tỉnh… Các tuyến giao thông này đã liên kết các vùng của tỉnh Quảng Nam tạo thành khối phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ.
Cùng với việc phát triển hệ thống giao thông, việc đảm bảo hệ thống thuỷ lợi, xây dựng hạ tầng năng lượng điện, công trình hạ tầng thiết yếu cũng được tỉnh Quảng Nam chú trọng. Tỉnh đã tiến hành nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà; huy động các nguồn vốn để đầu tư mở tuyến luồng mới Cửa Lở; đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển Chu Lai trở thành trung tâm vận chuyển hàng hoá trong nước và quốc tế.
Nút giao vòng xuyến hai tầng giữa quốc lộ 1A và đường nối từ cảng Chu Lai đến đường cao tốc Ðà Nẵng – Quảng Ngãi.
Sân bay Chu Lai sẽ được nâng cấp thành sân bay quốc tế.
Đường ven biển Võ Chí Công
1.2. Phát triển không gian vùng kinh tế xã hội và đô thị
Ngày 17/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, là cơ sở để điều hành và quản lí mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, không gian các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh được cấu trúc thành hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Mỗi vùng được định vị các lĩnh vực , các ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự cân bằng trong phát triển kinh tế – xã hội giữa vùng Đông và vùng Tây.
Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái – văn hoá – du lịch, giao lưu quốc tế văn hoá; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.
Hai vùng không gian phát triển kinh tế – xã hội là vùng Đông và vùng Tây. Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Đây là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Vùng Tây gồm các huyện miền núi. Đây là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia. Hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức – Phước Sơn và Thạnh Mỹ – Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông – Tây.
Hai cụm động lực gồm cụm Điện Bàn – Hội An – Đại Lộc và cụm Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh. Cụm Điện Bàn – Hội An – Đại Lộc là cụm tăng trưởng, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng; hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò… Cụm Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh là cụm kết nối các địa phương này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ; logistics, cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục – đào tạo, đô thị thông minh; thực hiện sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I; phát triển Chu Lai trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô…
Ba hành lang phát triển gồm: hành lang động lực kinh tế ven biển; hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh; hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Hành lang động lực kinh tế từ đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đến ven biển tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai. Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh tập trung phát triển các ngành công nghiệp thuỷ điện; khai thác, chế biến khoáng sản, các sản phẩm nông lâm nghiệp; bảo tồn, phát huy văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hành làng này còn là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên, vùng Nam Lào và Bắc Campuchia.
Toàn cảnh Hội An
Đô thị Tam Kỳ phát triển theo định hướng xanh, thông minh.
1.3. Phát triển kinh tế gắn liền với cải cách hành chính và chuyển đổi số
Quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra sâu rộng với đặc điểm cơ bản là gắn với nền kinh tế tri thức, kinh tế số, tự động hoá. Trong đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện. Đây là giải pháp thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển chính quyền số; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; cung cấp các dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp…
Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ, ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kĩ thuật số, kĩ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ
Tỉnh uỷ Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, triển khai chuyển đổi từ giao thức IPv4 (địa chỉ internet thế hệ 4) sang IPv6 (địa chỉ internet thế hệ thứ 6) theo lộ trình quốc gia.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh tiến độ triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án số hoá; đề án Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025; từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh. Triển khai Dự án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Tam Kỳ, làm định hướng quy hoạch đô thị thông minh cho các đô thị có khả năng đầu tư của tỉnh.
Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Nam tiếp tục cải cách hành chính; xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại; thực hiện cải cách, cắt giảm và đơn giản hoá các thủ tục hành chính; kiện toàn bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quản lí, sử dụng chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định pháp luật.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; đồng hành, phục vụ các doanh nghiệp; xoá bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp bằng cách thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số, công khai các thủ tục; giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.
Trong các năm qua, tỉnh Quảng Nam triển khai đồng bộ các ứng dụng cơ bản của chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lí văn bản về điều hành tác nghiệp (Q-office), hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ kí số… kết nối liên thống dữ liệu các cấp; thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả xếp hạng VIETNAM ICT INDEX 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam công bố, Quảng Nam xếp vị trí thứ 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), các phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng tại các đơn vị. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả…
Một lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các chủ thể sản phẩm nông nghiệp do Sở KH&CN phối hợp tổ chức.
Tam Kỳ triển khai lắp đặt 50 điểm camera giám sát có độ phân giải cao trên toàn thành phố.
