3. Những thách thức của giao lưu, hội nhập văn hóa ở tỉnh Quảng Nam

Cũng như nhiều địa phương khác, trong quá trình giao lưu hội nhập văn hóa quốc tế, tỉnh Quảng Nam gặp một số thách thức không nhỏ. Thực tế cho thấy quá trình hội nhập không chỉ tạo ra cho sự phát triển văn hóa mỗi địa phương những thời cơ thuận lợi mà còn ẩn chứa ngay trong nó những nguy cơ lớn. Một trong số những nguy cơ đó chính là sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào; sự hòa tan bản sắc riêng độc đáo vốn có của mỗi nền văn hóa thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn có cơ sở để nhận diện, mất đi những yếu tố làm nên căn cước văn hóa của địa phương.

Giao lưu, hội nhập quốc tế làm xuất hiện xu thế nhất thể hóa lối sống nhân loại, những lý thuyết phát triển phiến diện như lý thuyết tuyệt đối hóa một mô hình phát triển, lấy sản phẩm văn hóa của dân tộc này thay thế hoặc lấn át sản phẩm văn hóa của dân tộc khác bằng sức mạnh kinh tế hoặc công nghệ hiện đại. Xu hướng trên sẽ dẫn đến sự rối loạn và nghèo nàn đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại, làm suy giảm khả năng sáng tạo của các cộng đồng, hủy diệt nền văn hóa của nhiều quốc gia dân tộc, làm giảm đi sự phong phú, đa dạng, sinh động của văn hóa nhân loại.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III được tổ chức tại Quảng Nam, năm 2018

Đồng bào Cơtu trình diễn trên phố cổ tham gia sự kiện “Ngày văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang

lại tiện ích to lớn cho con người như điện thoại thông minh, máy tính thông minh, internet, trí tuệ nhân tạo … nhưng cũng chính những tiện ích ấy khiến con người dễ trở nên vô cảm, lười biếng, giảm sức sáng tạo, thậm chí suy giảm giá trị nhân tính. Những thay đổi về cách thức giao tiếp trên mạng xã hội cũng khiến con người và xã hội gặp nhiều nguy hiểm về an ninh, tài chính, sức khỏe. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách nghiêm ngặt sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Tác động xấu từ mạng xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức truyền thốngtốt đẹp của dân tộc.

Hiện nay, hơn lúc nào hết, việc giao lưu văn hóa trên hành tinh trở nên nhộn nhịp, đến mức xô bồ với tốc độ quay cuồng đến chóng mặt. Đứng trước những thách thức ấy, con người cần phải bình tâm, sáng suốt để nhận diện được cái gì là tinh hoa tốt đẹp, cái gì là phản văn hóa nhằm lựa chọn và tìm cách thích nghi với những gì phù hợp, đấu tranh chống lại những gì làm hủy hoại phẩm giá con người.

Văn hóa là một lĩnh vực đặc thù. Vì vậy, trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, thái độ cần tránh là bảo thủ, tự tôn hoặc tự ti quá mức hoặc thiếu hiểu biết. Cần có thái độ bình tĩnh, khoa học để gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập và giao lưu cũng như trong quá trình phát triển.

Similar Posts