3. Một số giải pháp ứng phó với sự biến đổi khí hậu ở tỉnh Quảng Nam để phát triển bền vững
3.1. Các giải pháp thích ứng với BĐKH
Mục tiêu của thích ứng với BĐKH là tăng cường độ bền vững của cơ sở hạ tầng, tăng cường sự mềm dẻo của các hệ thống quản lí, tăng cường khả năng thích ứng của các nhóm dân cư, các hoạt động kinh tế và các hệ sinh thái có khả năng dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức về BĐKH; tỉnh Quảng Nam đã đưa ra các giải pháp sau:
- Giải pháp đối với quản lí
– Quy hoạch hệ thống thuỷ lợi hợp lí và các tuyến đê biển nhằm tích trữ nước cho mùa hè và hạn chế xâm nhập mặn vào nước ngầm, ngăn triều cường.
– Xây dựng khung pháp lí để giảm thiểu phát triển thuỷ điện và công nghiệp trong các khu vực môi trường nhạy cảm xung quanh các khu bảo tồn, khu rừng phòng hộ của tỉnh.
– Đầu tư các dự án xử lí chất thải rắn cho các đô thị lớn, các cụm đô thị với công nghệ xử lí tiên tiến, phù hợp với từng địa phương, có các dự án đầu tư cho việc thu gom nước thải tại các đô thị như Ái Nghĩa – Đại Lộc, Điện Bàn, Nam Phước – Duy Xuyên, Hà Lam – Thăng Bình, Núi Thành.
- Giải pháp đối với ngành nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản
– Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững với một ngành nông nghiệp sinh thái, tạo điều kiện chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp, phát triển mô hình trồng trọt linh hoạt phù hợp với điều kiện thời tiết thay đổi do BĐKH.
– Nhân rộng và phát triển tốt các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
– Chuyển dần các hoạt động nông nghiệp vùng bờ ở những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của nước biển dâng sang nuôi trồng thuỷ sản được quản lí tốt.
– Nâng cấp và xây mới các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng đồng thời thích ứng với sự thay đổi của thời tiết như trại giống Tam Thanh, trung tâm giống Phú Ninh, …
- Giải pháp đối với ngành công nghiệp
– Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Điện Nam – Điện Ngọc, Đông Quế Sơn,… phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường.
– Khai thác khoáng sản, sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên và khôi phục lại môi trường.
- Giải pháp đối với ngành du lịch và thương mại dịch vụ
– Tăng cường phát triển du lịch theo định hướng “xanh – sinh thái”, lập kế hoạch thích ứng BĐKH trong các thị trường trọng điểm. Đề xuất các dự án phân vùng phát triển du lịch trọng điểm trong tương lai như Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, các khu vực ven biển, các khu rừng nguyên sinh dọc đường Hồ Chí Minh, khu vực hồ Phú Ninh… theo hướng du lịch bền vững.
- Giải pháp đối với ngành giao thông vận tải
– Tăng cường công tác cải thiện hệ thống thoát nước và xử lí nước thải nhằm tăng khả năng thoát lũ và chất lượng nước ở hai thành phố Hội An, Tam Kỳ và các khu công nghiệp.
– Nạo vét sông Cổ Cò, sông Trường Giang; nâng cấp và nạo vét luồng cảng biển Kỳ Hà, cảng biển Tam Hiệp để phát triển thương mại, du lịch và phục vụ cho ngư dân khai thác thuỷ sản cũng như tiêu thoát lũ vào mùa mưa.
– Tại các tuyến đường bộ ở khu vực miền núi như: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn,… cần có biện pháp chống sạt lở để thuận tiện trong công tác ứng cứu và di dời khi có các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra.
- Giải pháp tuyên truyền
– Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ những tác động tiêu cực, phổ biến những giải pháp đơn giản để phòng ngừa các tác động của BĐKH.
– Tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân sử dụng các giống phù hợp với sự thay đổi thời tiết hiện nay và nhân rộng các mô hình “Nông nghiệp thông minh”.
2.1. Giải pháp giảm nhẹ BĐKH
- Ngành năng lượng
– Ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh.
– Dự trữ nước cho các nhà máy thuỷ điện hợp lí để kịp thời cung ứng điện vào mùa khô.
– Thúc đẩy các dự án đầu tư về năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện sinh khối…
– Tăng cường tuyên truyền và giáo dục về tiết kiệm năng lượng. Vận động mọi người tham gia các hoạt động như Giờ Trái đất, Ngày Chủ nhật xanh, Sống Xanh,…
- Ngành lâm nghiệp
– Huy động đất chưa sử dụng sang đất trồng rừng sản xuất hoặc đất trồng cây lâu năm nhằm nâng cao diện tích che phủ rừng.
– Tăng diện tích đất trồng rừng thay thế đối với các dự án ảnh hưởng đến đất trồng rừng, đặc biệt là các dự án thuỷ điện.
– Thường xuyên cập nhật và đưa tin dự báo cấp cháy rừng (cấp IV, V) để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng.
– Kết hợp việc bảo vệ và phát triển rừng dừa nước Hội An, rừng ngập mặn Núi Thành với du lịch sinh thái và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
– Thực hiện tốt các chương trình trồng và bảo vệ rừng đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
– Tiếp tục chỉ đạo các vườn ươm chăm sóc cây giống lưu vườn và gieo tạo cây con phục vụ kế hoạch trồng rừng trong các năm tới. Nghiên cứu, tuyển chọn các loại cây lâm nghiệp bản địa thích hợp với từng địa bàn biển, sông, kênh, rạch,… nhằm ứng phó với triều cường, xói lở ở các huyện thị ven biển như Tam Kỳ, Núi Thành, Hội An.
Rừng Đước trồng trong dự án CSR tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành
3.3. Giải pháp quản lí và huy động vốn đầu tư (NSNN, ODA, FDI, NGOs) cho công tác ứng phó với BĐKH
– Huy động các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn từ hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng (FPES) từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, các đóng góp của doanh nghiệp và các bên liên quan theo hướng xã hội hoá nguồn thu để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình trong việc ứng phó với BĐKH.
– Sử dụng tối ưu hoá và có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) và các nguồn vốn khác.
3.4. Các giải pháp khác
– Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở các cấp.
– Phát huy công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường để thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các ngành, lĩnh vực trong tỉnh.
– Cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.
– Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình thích ứng thí điểm, như mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thuỷ lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lí nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân.
– Chủ động lập phương án bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng; cứu hộ cứu nạn và di dời dân khi có thiên tai đồng thời tăng cường công tác phòng chống thiên tai đối với ngư dân đánh bắt trên biển.
– Đối với xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm cần triển khai xây dựng nhà máy xử lí nước sinh hoạt và cải tạo hệ thống đường ống cấp nước cho xã, cũng như có những giải pháp phòng chống bão lũ khi mùa mưa bão đến, hạn chế tối đa tình trạng cô lập đối với đất liền.
– Tăng cường việc tổ chức các hoạt động tập dượt, diễn tập ứng phó với các thiên tai để chủ động trong công tác ứng phó khi xuất hiện những tình huống thiên tai nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
– Tăng cường năng lực phương tiện thiết bị phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn để chủ động ứng phó và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.
– Đẩy mạnh việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo về việc chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động ứng phó với BĐKH và giảm rủi ro thiên tai.