3.1. Tiềm năng du lịch

  • Tài nguyên du lịch ở tỉnh Quảng Nam có giá trị rất cao, độc đáo, tạo nên lợi thế vượt trội khi so sánh với các địa phương khác và các nước trong khu vực.
  • Tài nguyên du lịch tự nhiên là thế mạnh để phát triển nhiều sản phẩm du lịch, với bờ biển trải dài 125km, có nhiều bãi biển đẹp, nhiều đảo ven bờ, rất lí tưởng cho phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng như: An Bàng, Hà My, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Tam Tiến. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam còn có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn với sự phong phú của các hệ sinh thái và giá trị đa dạng sinh học, trong đó tiêu biểu là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Các sông Thu Bồn và Vu Gia với nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ gắn với nhiều di tích văn hoá đặc sắc,…
  • Tài nguyên du lịch nhân văn rất đa dạng, độ hấp dẫn cao. Tỉnh Quảng Nam là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá; tiêu biểu là văn hoá Chăm-pa, Nhật Bản, Trung Hoa,… với hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, các lễ hội, làng nghề truyền thống như: mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề dâu tằm Duy Trinh, đúc đồng Phước Kiều, gốm sứ La Tháp… Đặc biệt Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn là hai di sản văn hoá thế giới.
  • Tỉnh Quảng Nam là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hoá phi vật thể, nhiều lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian như: Tuồng, Bài chòi, Bả trạo… Đặc biệt Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
  • Tỉnh Quảng Nam có sự đa dạng các đặc trưng văn hoá của nhiều dân tộc như Cơ Tu, Xơ Đăng, Co, Gié-Triêng…; Những món ăn đặc sản và văn hoá ẩm thực của người Quảng, góp phần làm cho đất Quảng trở nên gần gũi, ấn tượng mạnh với du khách.
  • Như vậy, du lịch di sản, du lịch biển đảo là thế mạnh nổi trội nhất, khẳng định thương hiệu du lịch tỉnh Quảng Nam so với các địa phương trong nước và quốc tế. Nằm ở “trung điểm” của cả nước, với lợi thế về tiềm năng, Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch kết nối các vùng trong cả nước và quốc tế như: Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á

 3.2. Thực trạng phát triển ngành du lịch

  • Trong giai đoạn 2015 – 2019, tốc độ tăng bình quân về lượt khách du lịch của toàn tỉnh khá cao, khoảng 19,3%/năm. Cùng với sự tăng trưởng về số lượng khách, doanh thu từ du lịch cũng tăng nhanh.

  • Cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… phát triển khá nhanh, tạo sức hút lực lượng lao động vừa trực tiếp và gián tiếp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
  • Hệ thống sản phẩm du lịch khá đa dạng; trong đó nhóm sản phẩm du lịch chính là du lịch di sản và du lịch nghỉ dưỡng biển. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hoá các dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực bắt đầu phát triển.
  • Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được tổ chức với nhiều sự kiện văn hoá du lịch lớn như: Hội thi Hợp xướng quốc tế, Festival Di sản Quảng Nam…

Các cô gái Cơ Tu trình diễn vũ điệu Tân tung Da đá

3.3. Định hướng phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Phát triển du lịch không thể tách rời chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan trên địa bàn.
  • Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, đặc biệt thế mạnh đặc thù về di sản thế giới; phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn các giá trị tài nguyên, môi trường, văn hoá, đóng góp tích cực cho nỗ lực xoá đói giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Phát triển du lịch phải dựa vào nội lực, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp; đa dạng hoá sản phẩm du lịch cùng với việc ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến.
  • Phát triển du lịch không tách rời các mục tiêu bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.
  • Phát triển du lịch trong mối liên kết chặt chẽ và thực chất với các địa phương trong vùng, đặc biệt với thành phố Đà Nẵng và các địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch.

4. Các dịch vụ khác

  • Về giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và nhu cầu học tập của địa phương; quy mô các ngành học, cấp học tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.
  • Về y tế không ngừng được nâng lên cả về số lượng, chất lượng dịch vụ và mạng lưới. Các tuyến y tế trên toàn tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển.
  • Ngoài ra, các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh… bước đầu có nhiều khởi sắc và phát triển theo hướng chuyển đổi số, sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Hình ảnh một số tài nguyên du lịch của Quảng Nam

Similar Posts