3.1. Mở đầu

  • Tính đến tháng 5 năm 2022, tỉnh Quảng Nam có 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di sản văn hoá thế giới; 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh; cùng hàng trăm di tích, danh thắng, các làng nghề truyền thống lâu đời cần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ trong thời kì hội nhập.
  • Hiện nay, các di sản văn hoá thường xuyên đứng trước những thách thức và nguy cơ bị huỷ hoại do những tác động của thiên nhiên và con người. Đặc biệt, là các hành động ứng xử của con người, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, đô thị hoá và sự phát triển du lịch thiếu bền vững đã và đang làm ô nhiểm và huỷ hoại môi trường, không gian tồn tại của di sản. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá được cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.
  • Nhiều năm nay, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá luôn được tỉnh coi trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có những chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về mặt chính sách; tổ chức và cấp kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản; đồng thời, có những giải pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và người dân.
  • Tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực thực hiện trách nhiệm bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên, đặc biệt là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Bên cạnh sự ủng hộ của UNESCO và các tổ chức Quốc tế, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá ở Quảng Nam còn nhận được sự trợ giúp của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ các nước như: Ấn Độ, Ba Lan, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hoa Kỳ,… Những động thái của tỉnh Quảng Nam, các tổ chức trong nước và nước ngoài đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

Chùa cầu Hội An

Khu đền tháp Mỹ Sơn

3.2. Khái niệm di sản văn hóa.

  • Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hoá bao gồm tài sản văn hoá (như các toà nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật), văn hoá phi vật thể (như văn hoá dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hoá quan trọng và đa dạng sinh học).
  • Bảo tồn di sản được hiểu như là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó. Phát huy di sản có nghĩa là những hành động nhằm đưa di sản văn hoá vào trong thực tiễn xã hội, coi đó như là nguồn nội lực, tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện tính mục tiêu của văn hoá đối với sự phát triển của xã hội.

3.3. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

  • Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
  • Xu hướng hiện đại của việc bảo tồn và phát huy di sản là không chỉ cố gắng giữ gìn di sản văn hoá đó ở dạng ban đầu, mà còn phải nỗ lực gắn di sản đó vào nền móng của đời sống xã hội. Tức là bản thân quá trình lịch sử của văn hoá – nghệ thuật xuất hiện ở đây không chỉ như quá trình bảo toàn quá khứ và tích luỹ các giá trị văn hoá, mà còn như quá trình phát triển cái mới trong cái cũ. Như vậy, mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển đã được xác định có sự kế thừa và mang tính khách quan với yếu tố cốt lõi là các giá trị văn hoá.
  • Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá là một trong những hoạt động luôn luôn gắn liền với việc bảo tồn bản sắc dân tộc, tạo dựng sự phát triển bền vững tương lai của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại.

3.4.  Những giải pháp cơ bản cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở tỉnh Quảng Nam

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá ở tỉnh Quảng Nam được vận hành theo định hướng tổng quát, lâu dài và một số giải pháp cơ bản sau:

  • Định hướng mang tính tổng quát, lâu dài cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở tỉnh Quảng Nam là tập trung vào việc bảo tồn, phát huy giá trị hai Di sản Văn hoá thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, gắn kết với việc phát huy hiệu quả các lễ hội truyền thống và hiện đại, phát triển du lịch làng nghề; tiếp tục thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hoá trong tín ngưỡng dân gian. Đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có. Xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt phù hợp với thị trường khách theo hướng du lịch xanh, bền vững dựa trên nền tảng các giá trị văn hoá bản địa.
  • Để làm được điều đó, trước hết, cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Quảng Nam đến với du khách, góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về văn hoá nhằm giới thiệu các giá trị văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá Quảng Nam nói riêng ra thế giới thông qua các hoạt động văn hoá – nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia biểu diễn ở nước ngoài và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đến thăm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hoá, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
  • Đồng thời cần ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, lồng ghép tổ chức các chương trình phát triển kinh tế với giới thiệu bản sắc văn hoá của địa phương, từ đó huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội hoá. Nội dung về đầu tư nguồn lực cho công tác này rất đa dạng, như: tăng mức đầu tư cho văn hoá, bảo đảm kinh phí cho chương trình phát triển văn hoá; đẩy mạnh công tác sưu tầm, tiếp tục tiến hành phục hồi và giữ gìn các lễ hội, nghề truyền thống; hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống tại địa phương nhằm tạo sân chơi và khơi dậy tinh thần sáng tạo cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; hỗ trợ dạy nghề, khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống nhằm phục vụ du khách và tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ các làng nghề truyền thống của địa phương.
  • Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương; vận động các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tài chính để thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hoá.
  • Về lâu dài, phát triển du lịch theo hướng dựa vào cộng đồng, thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dựa vào dân cư bản địa; phát triển du lịch có trách nhiệm hướng tới chia sẻ hài hoà các lợi ích, trong đó đảm bảo lợi ích cho cộng đồng và du khách; lấy lối sống, sinh kế, văn hoá bản địa cùng với sự hiếu khách và môi trường du lịch văn minh là mục tiêu phát triển điểm đến.

 

Similar Posts