2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

  • Là một tỉnh có 9/18 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao, biên giới, Quảng Nam là một trong những tỉnh có đối tượng thuộc diện chính sách xã hội lớn so với cả nước. Vì thế, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch thực hiện nhiều chính sách ASXH 

2.2. Tình hình, kết quả thực hiện

2.2.1. Chính sách đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo cho người dân

  • Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo ASXH. Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai và tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tỉnh uỷ đã ban hành nghị quyết về công tác giảm nghèo2, Hội đồng nhân dân đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích thoát nghèo bền vững, hỗ trợ cải thiện mức sống(3) và triển khai thực hiện hiệu quả với nhiều giải pháp đồng bộ như: hỗ trợ cho hộ nghèo về tín dụng ưu đãi, cho vay vốn để phát triển sản xuất; sửa chữa, xây mới nhà ở; hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập…
  • Dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn có bước phát triển mới. Hàng năm, ngân sách tỉnh đã trích hàng tỉ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn, thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo vay của Nhà nước bao phủ đến 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người dân tích cực sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững.
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo nghề, giải quyết việc làm,… đã giúp người nghèo có việc làm, đi xuất khẩu lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm thường xuyên. Nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài được ban hành và phát huy hiệu quả. Từ năm 2015 đến đầu năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 87 000 lao động, trong đó có 6 000 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng, bình quân tăng 13%/năm. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Nam

Làm thủ tục cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

2.2.2. Chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân

  • Trong nhiều năm qua, các loại hình bảo hiểm cho người dân được bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam mở rộng với các sản phẩm đa dạng. Đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng; hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
  • Đối tượng tham gia BHXH được mở rộng; người lao động tự nguyện tham gia BHXH ngày càng tăng; việc giải quyết các chế độ BHXH kịp thời, thuận lợi; việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH được kịp thời, đầy đủ. BHYT bắt buộc đối với học sinh, sinh viên được đẩy mạnh. Các chính sách đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hoạt động khám chữa bệnh ban đầu cho người dân ngày càng được quan tâm; việc khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT được chi trả kinh phí kịp thời, đúng quy định. Tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện trích nguồn ngân sách mua thẻ BHYT cho người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật và rủi ro về sức khoẻ; hỗ trợ việc mua thẻ BHYT cho người cận nghèo. Hệ thống y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Mạng lưới y tế được tăng cường đầu tư, kiện toàn và nâng cao chất lượng nhằm đảm bảo phục vụ tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh, giải quyết đầy đủ chế độ BHYT cho người dân.
  • Song song với phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại các vùng nghèo, đối với hộ nghèo ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức như việc thiết lập các tổ, đội y tế lưu động đi khám, chữa bệnh, thực hiện các hoạt động phòng bệnh theo định kì ở các thôn, bản.

Khám bệnh cho người cao tuổi ở huyện Đại Lộc

Bảo hiểm xã hội tỉnh kết hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với phòng khám tư nhân

2.2.3. Chính sách trợ giúp đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường

  • Trợ giúp xã hội là một bộ phận trong chính sách ASXH được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 43/2021/ NQ-HĐND ngày 08/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hình thức trợ cấp xã hội được triển khai thực hiện rộng hơn về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp ngày càng tăng.
  • Việc thực hiện chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được triển khai thực hiện hiệu quả như: tăng mức chuẩn cơ sở trợ giúp xã hội cho đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ một số chế độ tăng thêm cho đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Hỗ trợ tiền bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 04 tuổi; người khuyết tật đặc biệt nặng không có khả năng tự phục vụ, nằm một chỗ; Hỗ trợ thêm cho đối tượng phải điều trị tại bệnh viện; Hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh thông thường; thuốc chữa bệnh đặc thù cho người tâm thần mãn tính. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện trợ cấp xã hội cho 3.046 đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng với tổng kinh phí thực hiện 7.095.280.000 đồng.
  • Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ thường xuyên cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp rủi ro trong cuộc sống đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Cho nên, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách ASXH ngày càng mở rộng, năng lực của người dân về phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro để ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng được nâng lên.

Công ty điện lực miền Trung đồng hành xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo

Lãnh đạo Hải đoàn 21 tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo

2.2.4. Chính sách trợ giúp cho người dân được đảm bảo giáo dục tối thiểu, nhà ở tối thiểu, đảm bảo nước sạch và tiếp cận thông tin

  • Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, các vấn đề xã hội như giáo dục tối thiểu, nhà ở tối thiểu, đảm bảo nước sạch và tiếp cận thông tin,… đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được đáp ứng, đảm bảo việc thực hiện các chính sách ASXH.
  • Hệ thống trường, lớp mầm non và giáo dục phổ thông được nâng cấp, chất lượng dạy và học nâng lên đáng kể. Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 797 trường; trong đó, Mầm non, mẫu giáo có 286 trường; Tiểu học có 234 trường, Trung học cơ sở có 218 trường, Trung học phổ thông có 61 trường. Nhiều địa phương, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa còn xây dựng thêm các điểm trường, tạo thuận lợi cho trẻ được đi học. Đáng chú ý là số trường đạt Chuẩn quốc gia tăng dần theo từng năm. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 533 trường đạt Chuẩn quốc gia; trong đó có 165 trường Mầm non, đạt 58,1%, 189 trường Tiểu học, đạt 76,8%; 189 trường Trung học cơ sở, đạt 72,7% và 22 trường Trung học phổ thông, đạt 40,8%, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
  • Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường cả số lượng và chất lượng. Điều kiện sống của nhân dân được cải thiện, từng bước được nâng cao. Số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm hơn 96,8%. Số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Số hộ xử lí chất thải tập trung theo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Số hộ sử dụng ti vi đạt 92%, máy vi tính đạt 23,4%, tủ lạnh đạt 75%, (6)
  • Hệ thống giao thông tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp, có tính kết nối cao. Tại thời điểm 01/7/2020, tỉ lệ xã có đường ô tô từ trung tâm xã đến trung tâm huyện chiếm 99,01% tổng số xã khu vực nông thôn; tỉ lệ số thôn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã so với tổng số thôn trên địa bàn tỉnh đạt 98,1%, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm cách biệt về địa lí của các vùng nghèo, xã nghèo. Hệ thống thiết chế văn hoá được bổ sung hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hoá và cập nhật thông tin của dân cư. Toàn tỉnh có 164 xã có nhà văn hoá xã, chiếm 80,7%, 153 xã có điểm bưu điện văn hoá xã, chiếm 75,4%; 65 xã có thư viện xã, chiếm 32,1% so với tổng số xã trên địa bàn nông thôn; trong đó 36 thư viện xã có máy tính kết nối internet phục vụ độc giả. Toàn tỉnh có 12 huyện, thị xã, thành phố lắp đặt hệ thống loa truyền thanh cho tất cả các xã trên địa bàn và 8 địa phương có 100% hệ thống loa truyền thanh kết nối từ xã về thôn
  • Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới.
  • Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách ASXH, là bước tiến mới trong thực hiện công bằng xã hội, tác động tốt đến tình hình phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở địa phương, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

2.3. Một số khó khăn trong việc thực hiện chính sách ASXH và giải pháp khắc phục

2.3.1. Khó khăn

Tình hình thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh ta còn gặp những khó khăn sau:

  • Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; nhất là khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác lãnh đạo, tổ chức, điều hành, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn còn bất cập. Công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi vẫn còn sai sót.
  • Tình trạng né tránh, không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc tham gia không đủ số lao động, tham gia với mức lương thấp hơn mức lương thực tế trả cho người lao động vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị sử dụng lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT cho nhân dân. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Mức trợ cấp xã hội, bảo trợ xã hội và tỉ lệ người tham gia BHXH, BHYT còn thấp.
  • Các chính sách ASXH ban hành quá nhiều với nguồn lực đầu tư lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, dẫn đến một số chính sách còn chồng chéo, bất hợp lí.
  • Lực lượng cán bộ làm công tác ASXH mỏng về số lượng, trình độ còn hạn chế, thiếu phương tiện làm việc và thường xuyên thay đổi dẫn đến tình trạng bất cập trong điều tra, quản lí và đưa chính sách đến đối tượng thụ hưởng.
  • Nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách ASXH còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn và số thôn, xã đặc biệt khó khăn và huyện nghèo nhiều; một số chương trình, chính sách ban hành có mức đầu tư thấp, đa phần mang tính hỗ trợ về ASXH (y tế, nhà ở, tiền điện …), các chính sách hỗ trợ sinh kế để phát triển sản xuất chưa nhiều; công tác thanh tra, kiểm tra nhiều nơi chưa được coi trọng.

2.3.2. Giải pháp

  • Các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác lãnh đạo, quản lí, điều hành việc thực hiện chính sách ASXH; tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách, người dân gặp khó khăn, đảm bảo ASXH.
  • Huy động tối đa mọi nguồn lực gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách ASXH. Xây dựng, nhân rộng các mô hình thực hiện các chính sách ASXH hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo bền vững.
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về sự cần thiết và ý nghĩa nhân văn của chính sách ASXH; có giải pháp huy động toàn dân tích cực hưởng ứng, ủng hộ các cuộc vận động, các hoạt động gây quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, các công tác thiện nguyện vì cuộc sống ổn định, phát triển của xã hội.
  • Đối với ngành giáo dục, khuyến khích nhà giáo và học sinh tham gia thực hiện chính sách ASXH trong nhà trường và ở địa phương, hướng tới sự ổn định, phòng ngừa các rủi ro; tương trợ, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Similar Posts