2. Thương mại

2.1. Thực trạng phát triển thương mại

– Thương mại nội địa.

  • Tỉnh Quảng Nam có quy mô dân số khá đông, cơ cấu dân số đang trong thời kì “dân số vàng”. Cơ sở vật chất kĩ thuật rất tốt với hệ thống hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, kết nối giữa các huyện, thị và cả nước. Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế hoạt động có hiệu quả… thúc đẩy sự phát triển thương mại nội địa.
  • Giai đoạn 2011 – 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DTDV) trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng khá cao, bình quân 14%/ năm, cao hơn mức tăng trưởng 11,1%/năm của cả nước.
  • Lĩnh vực bán lẻ hàng hoá chiếm tỉ trọng chủ yếu, tập trung ở nhóm lương thực thực phẩm, xăng dầu các loại, gỗ và vật liệu xây dựng… riêng doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch, lữ hành chiếm 30% TMBLHH&DV. Khu vực ngoài Nhà nước có vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ hàng hoá tỉnh Quảng Nam. Giai đoạn 2016 – 2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá từ khu vực ngoài Nhà nước giữ ổn định ở mức 94,7% tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá.

– Hoạt động xuất nhập khẩu:

  • Vị trí địa lí thuận lợi cho giao thông hàng hải là cơ sở quan trọng để tỉnh Quảng Nam trở thành địa phương có khu kinh tế mở đầu tiên cùng với nhiều khu công nghiệp nằm ven biển, hết sức thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.
  • Giai đoạn 2011 – 2020, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gia tăng đáng kể, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 20,92 tỉ USD.
  • Xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu cải thiện theo hướng tích cực, giảm tỉ trọng xuất khẩu hàng thô, tăng tỉ trọng hàng qua chế biến, chế tạo. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: dệt may, da giày, gỗ các loại, hàng thuỷ sản.
  • Nhập khẩu hàng hoá tăng trưởng bình quân 16,4%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất (chiếm trên 98% tổng giá trị nhập khẩu) phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất; trong đó có sự dịch chuyển mạnh giữa hai nhóm tư liệu sản xuất: máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất. Các mặt hàng tiêu dùng chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
  • Tỉnh Quảng Nam có 02 cửa khẩu gồm: cửa khẩu quốc tế Nam Giang và cửa khẩu phụ Tây Giang. Các hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán, trao đổi hàng hoá tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Nam Giang, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và dần hoàn thiện, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới.

– Dịch vụ vận tải và logistics:

  • Trong giai đoạn 2011 – 2019, dịch vụ vận tải, kho bãi đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 9,5%/năm, mức tăng trưởng cao đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam.
  • Năm 2020, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá đều giảm mạnh, dịch vụ vận tải, kho bãi chịu ảnh hưởng ngừng trệ do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

2.2. Định hướng phát triển thương mại tỉnh Quảng Nam

  • Phát triển thương mại hàng hoá gắn với du lịch; nghiên cứu quy hoạch các tuyến phố thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.
  • Đẩy mạnh xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại.
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm đặc sản, khai thác cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Chú trọng kích cầu tiêu dùng để khai thác tiềm năng sức mua trong tỉnh.
  • Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cao phục vụ cho nhu cầu phát triển dịch vụ của tỉnh và khu vực miền Trung.

Hoạt động thương mại ở Quảng Nam

Similar Posts