2.1. Thực trạng sản xuất nông nghiệp sạch ở tỉnh Quảng Nam

2.1.1. Trong trồng trọt

  • Để xây dựng nền sản xuất an toàn, bền vững, trong trồng trọt đã thực hiện nguyên tắc 4 đúng và áp dụng các kĩ thuật canh tác tiên tiến như quy trình thâm canh lúa chất lượng cao, gieo sạ, trồng rau màu an toàn theo quy trình VietGAP, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, để dần thay đổi tập quán canh tác của người dân, tỉnh Quảng Nam đã và đang kêu gọi nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng các mô hình mẫu về việc sản xuất thân thiện với môi trường. Cụ thể đã áp dụng một số mô hình sản xuất như:

– Mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP.

– Mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với du lịch, đô thị.

– Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

– Mô hình kinh tế trang trại…

Nhìn chung, các mô hình này đã mang lại nhiều hiệu quả: tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và giảm mạnh tác động của ô nhiễm môi trường.

  • Năm 2022, tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn của tỉnh Quảng Nam là 58 ha; trong đó, rau trồng được chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm là 26,3 ha, rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương là 31,7 ha với sản lượng ước tính là 951 tấn. Tuy diện tích sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn còn thấp nhưng hầu hết các sản phẩm đều có đầu ra ổn định, thu nhập của người trồng rau được tăng lên đáng kể. Điển hình như: Hợp tác xã (HTX) rau, quả Bàu Tròn (23,97 ha), HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đại Cường (6ha), HTX Nông nghiệp Duy Phú (33ha – trồng sen), HTX rau sạch Mỹ Hưng (6ha),…

Mô hình trồng rau sạch tại xã Bình Phục, huyện Thăng Bình

Mô hình trồng lúa hữu cơ ở phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn

2.1.2. Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

  • Tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chiếm 17,70%. Nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm như bò, gia cầm,… Xây dựng các mô hình như nuôi gà, lợn an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lí chất thải, thu hồi khí sinh học góp phần tiết kiệm chi phí năng lượng và giải quyết tốt vấn đề môi trường, đặc biệt là khí nhà kính. Bên cạnh đó, các chế phẩm sinh học xử lí chất thải đã được áp dụng đối với các cơ sở chăn nuôi ở hộ gia đình để giảm mùi, diệt khuẩn và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các trang trại chăn nuôi đã được vận động đưa ra khỏi khu dân cư. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP như:

Trại chăn nuôi bò BBB tại xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn

  • Tổ hợp tác chăn nuôi gà ta Mười Tín (10 000 con/lứa), Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kinh doanh Tổng hợp Duy Đại Sơn (10 000 con lợn/năm), HTX Nông nghiệp Tứ Sơn Life (10 000 con vịt/lứa và 5 000 con gà/lứa), Công ty Cổ phần Thái Việt Swine Line (4 980 lợn nái và 3 000 lợn thịt),…
  • Trong nuôi trồng thuỷ sản, các trang trại nuôi lớn và các hộ ở những vùng nuôi thuỷ sản tập trung đã từng bước thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế tối đa các mối nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước; đẩy mạnh phát triển theo hướng ổn định diện tích, thâm canh tăng năng suất, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học – kĩ thuật, quản lí tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi cá trên sông thành phố Tam Kỳ

 Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao

2.1.3. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp sạch ở tỉnh Quảng Nam

  • Mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với du lịch, đô thị: Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, Thành phố Hội An với diện tích trên 40 ha, được các hộ dân trồng luân canh, xen canh hơn 20 loại rau. Đây là làng nghề truyền thống trồng rau sạch của Hội An từ bao đời nay với phương pháp trồng rau hữu cơ, sử dụng các loại rong và phân chuồng để bón cho rau. Rong được vớt từ sông Đế Võng hoặc vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn, có khả năng phân huỷ cao và nhanh, giúp đất tơi xốp, dùng để bón lót cho rau. Nước tưới được sử dụng chủ yếu là nguồn nước sạch từ giếng nước ngầm. Nhờ phương pháp này mà nghề trồng rau ở đây cho ra thành phẩm rau siêu sạch bởi quy trình khép kín và đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường, mang lại sức khoẻ cho người tiêu dùng.

 Vùng rau sạch Trà Quế, thành phố Hội An, Quảng Nam

Trà Quế không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm rau xanh, sạch, có hương vị đặc trưng riêng, mà còn là điểm tham quan thu hút hàng triệu lượt du khách quốc tế đến tham quan và trải nghiệm.

  • Mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP:

– Phong Thử thuộc xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, là nơi áp dụng mô hình sản xuất gạo quê Phong Thử theo quy trình sản xuất hữu cơ từ năm 2017 đến nay. Ban đầu, diện tích canh tác thí điểm là 3 ha và đến nay đã mở rộng sản xuất ra trên 50 ha. Mục tiêu của mô hình là tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và giảm mạnh tác động của ô nhiễm môi trường. Sản xuất lúa hữu cơ và chế biến gạo được thực hiện theo nguyên tắc 5 không: không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không dùng thuốc hóa học diệt trừ sâu bệnh, không sử dụng giống biến đổi gen và không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng gạo. Đồng thời, quy trình sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt từ giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại… Đất trồng được xử lý bằng phân vi sinh hữu cơ; khâu chăm sóc sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học. Khâu gieo mạ được tiến hành trên khay đã giúp cây mạ sinh trưởng đều, khoẻ và chủ động được thời gian cấy mạ, đồng thời thuận tiện cho khâu cấy mạ tự động bằng máy cấy. Quy trình cấy mạ tự động đảm bảo được khoảng cách hàng và cây cân đối, tạo sự đồng đều thuận lợi cho lúa đẻ nhánh khoẻ, quang hợp tốt góp phần hạn chế sâu bệnh hại và thu hoạch sau này. Quy trình chế biến và đóng gói sản phẩm gạo hữu cơ Phong Thử đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được xếp hạng ba sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Gieo mạ trên khay và cấy mạ tự động Phong Thử, Điện Bàn, Quảng Nam

– Việc thực hiện và hướng tới mở rộng diện tích theo mô hình này, không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khoẻ con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

2.2. Thực trạng công tác quản lí chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) ở tỉnh Quảng Nam

  • Trong những năm gần đây, công tác quản lí chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Quảng Nam luôn được coi trọng.

– Đã xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn.

Công tác tuyên truyền diễn ra trên nhiều lĩnh vực, giúp hộ sản xuất và người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất, chế biến và sử dụng sản phẩm an toàn đối với con người và môi trường sống, hiểu rõ tác hại của thực phẩm không an toàn.

– Công tác quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã được phân công, phân cấp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn tạo thuận lợi trong công tác quản lí.

Hằng năm công tác lấy mẫu để giám sát sản phẩm nông sản, thuỷ sản luôn được thực hiện. Trong công tác giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, thuỷ sản ở Quảng Nam, đa số các mẫu đạt tiêu chuẩn.

  • Cụ thể năm 2022:

– Về chất lượng vật tư nông nghiệp 60/83 mẫu đạt yêu cầu trong đó:

+ Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Lấy 20 mẫu phát hiện 01 mẫu thuốc bảo vệ thực vật giả về chất lượng, 02 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kĩ thuật tương ứng.

+ Lĩnh vực chăn nuôi – thú y: Phân tích 22 mẫu có 19 mẫu đảm bảo chất lượng theo công bố của nhà sản xuất.

+ Lĩnh vực thuỷ sản: 41 mẫu có kết quả 34 mẫu đạt yêu cầu.

– Về giám sát ATTP sản phẩm nông lâm thuỷ sản:

+ Rau: 10 mẫu, 100% đạt yêu cầu.

+ Thịt gà: 04 mẫu giám sát các chỉ tiêu Tetracycline, Chloramphenicol, kết quả phân tích đạt yêu cầu.

+ Thịt lợn: lấy 45 mẫu thì các mẫu đều đạt yêu cầu về chỉ tiêu dư lượng kháng sinh, riêng chỉ tiêu vi sinh chưa đạt yêu cầu.

+ Tôm thẻ chân trắng: các mẫu đều đạt yêu cầu.

+ Chả (heo, bò, cá): 18 mẫu phân tích, có 01 mẫu không đạt về chỉ tiêu Natribenzoat.

+ Nước mắm: 10 mẫu, có 01 mẫu có hàm lượng Natribezoat vượt quá quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế: công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; ô nhiễm thực phẩm vẫn là nỗi lo ở tất cả các khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản. Chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng rau, củ, quả bị nhiễm hoá chất độc hại. Thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản của một số cơ sở sản xuất còn dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, lễ hội, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp khó kiểm soát.

Hội chợ OCOP Quảng Nam

Video: Mô hình trồng thủy canh ở Núi Thành-Quảng Nam

Similar Posts