2. Một số định hướng phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế và khởi nghiệp
2.1. Chính sách phát triển giáo dục
Tỉnh uỷ Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 25/4/2027 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững và được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ theo từng vùng miền, đối tượng người học, cấp học(1); chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ.
Nguồn vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ. Phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lí nhà nước về tư vấn tuyển sinh gắn với định hướng nghề nghiệp và hình thức đào tạo phù hợp; đảm bảo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học đủ điều kiện về kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp và độ tuổi tham gia vào thị trường lao động. Tiếp tục rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường lớp gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục theo đề án vị trí việc làm của mỗi cơ sở giáo dục.
Việc đổi mới dạy học các cấp phổ thông theo Chương trình GDPT 2018 đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội về giáo dục. Các địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
2.2. Chính sách phát triển y tế
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh; tập trung vào nâng cao sức khoẻ, thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân(2). Theo đó, chính sách phát triển y tế hướng đến mục tiêu:
- Kiện toàn hệ thống tổ chức y tế trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện cải cách hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong quản lí nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa quản lí theo ngành, theo quy định của pháp luật.
- Phát triển ngành y tế theo hướng công bằng và hiệu quả. Xây dựng nên y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm cho mọi người dân đều được quản lí, chăm sóc sức khoẻ.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có y đức, năng lực chuyên môn vững vàng. Nâng cao năng lực cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Trạm Y tế xã Phước Thành huyện Phước Sơn được đầu tư xây dựng, phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Trạm y tế xã biên giới Ch’ơm, huyện Tây Giang khám bệnh cho bà con Cơ Tu.
2.3. Chính sách khởi nghiệp, việc làm
Quảng Nam là tỉnh coi trọng việc hợp tác, liên kết trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tỉnh đặt kế hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mở; năng động, linh hoạt, kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo: xây dựng hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS). Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Các cấp ngành trong tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức về Hệ sinh thái khởi nghiệp cho cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân; triển khai thành lập các Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo; kết nối mạng lưới khởi nghiệp vùng, quốc gia; xây dựng văn hoá khởi nghiệp. Hoàn thành công tác xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện. Huy động nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức các hội thảo, diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tham gia Ngày hội Khởi nghiệp quốc tế, quốc gia, các tỉnh/ thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về chính sách giải quyết việc làm trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 80.000 lao động (bình quân mỗi năm 16.000 lao động); trong đó, khu vực sản xuất, doanh nghiệp là 65.000 lao động.
Hỗ trợ tạo việc làm cho 10.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Các chủ thể có thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam được biểu dương khen thưởng.
Tư vấn giới thiệu việc làm tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam