1. Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế và đời sống của người dân tỉnh Quảng Nam
Từ năm 2021 đến 2023 đã có 6 cơn bão và 18 đợt mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các đợt thiên tai đã làm 133 nhà bị sập đổ, hơn 7.160 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình sơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng, xuất hiện thêm nhiều điểm có nguy cơ cao sạt lở, đặc biệt ở các huyện miền núi như: Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang… Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 6.144 tỉ đồng.
1.1. Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế
Trong những năm gần đây, BĐKH xảy ra ngày càng rõ rệt, các cơn bão diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão; lượng mưa thay đổi không theo mùa, không theo không gian và gây ra nhiều trận lũ lụt lớn; nắng nóng diễn biến phức tạp và kéo dài, mức nhiệt độ ngày càng tăng. Vùng ven biển của tỉnh Quảng Nam có đặc điểm địa lí giáp biển và hạ lưu các sông lớn, xu hướng thấp về phía Đông nên nơi đây thường xuyên xảy ra mưa bão, lũ lụt, sạt lở bờ biển và xâm nhập mặn. Khu vực Cửa Đại – Hội An là nơi bị sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất do mưa bão, nước biển dâng. Các huyện miền núi phía Tây, hằng năm đều xảy ra tình trạng hạn hán vào mùa khô và sạt lở núi, lũ quét vào mùa mưa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế của người dân.
Sạt lở ở bờ biển Cửa Đại – Hội An
Tác động của BĐKH đến nông nghiệp
BĐKH tác động rất lớn đến nông nghiệp đã làm xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và lũ lụt có xu hướng gia tăng; thiếu nước tưới nghiêm trọng do tổng lượng mưa mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% – 30%, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, lượng nước mặt bổ sung cho các sông, hồ giảm, trong khi đó lượng nước bốc hơi lại tăng khiến cho mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh. Hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa làm ảnh hưởng đến chất lượng nước trên các sông và làm giảm chất lượng nguồn nước trong đất.
Những tác động nêu trên đã làm diện tích đất nông nghiệp giảm, suy thoái, thiếu nguồn nước tưới. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng phát triển của cây trồng, tăng nguy cơ dịch bệnh gây hại mùa màng, từ đó làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng.
Mưa lớn trái mùa gây thiệt hại cho nông nghiệp ở Quảng Nam.
Tác động của BĐKH đến lâm nghiệp
Bão, lũ lụt, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất vùng núi do mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm giảm đáng kể diện tích đất rừng, ảnh hưởng đến chất lượng rừng tự nhiên và thiệt hại về rừng trồng sản xuất. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm ở mùa khô là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cao về cháy rừng.
Tác động của BĐKH đến ngư nghiệp
Các cơn bão trên biển Đông ngày càng tăng về cường độ, tần suất và có diễn biến bất thường hơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Nam, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Bão, lũ liên tục xuất hiện ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền đã phá huỷ số lượng lớn các lồng bè nuôi cá, nhấn chìm nhiều hecta ao nuôi tôm gây thiệt hại lớn về kinh tế của các hộ gia đình trên địa bàn Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Hội An.
Em hãy kể một vài tác động của BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế ở địa phương em.
1.2. Tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống xã hội
Biến đổi khí hậu gây nên các dạng thiên tai như bão, lũ, mưa lớn,… xảy ra hằng năm khiến hàng trăm người bị thương, chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Điển hình như năm 2020, thiên tai làm 46 người chết, 360 người bị thương gây thiệt hại 11.000 tỉ đồng; tăng 35 người chết, 302 người bị thương; thiệt hại tăng 10.400 tỉ đồng so với trung bình các năm của giai đoạn 2013 – 2019 (Theo số liệu báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH tăng cường quản lí tài nguyên và bảo vệ môi trường).
Sạt lở núi ở Quảng Nam
Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát sau thiên tai do môi trường bị ô nhiễm. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng gây nên những tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người, đặc biệt ở những người cao tuổi như: gây rối loạn thần kinh, tim mạch,… Ngoài ra, những biến động bất thường về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm,… là điều kiện tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, cúm, bệnh tay chân miệng, viêm não Nhật Bản,…
Đối với sự cố do thiên nhiên gây ra thì sạt lở bờ biển Cửa Đại, Cửa Lở được đánh giá là sự cố nghiêm trọng, đặt ra nhiều thách thức đối với sự an toàn của người dân cũng như hệ thống các khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển.
1.3. Tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Nam. Những tác động xảy ra tiềm tàng, mang tính lâu dài ảnh hưởng đến đa dạng nguồn gen, quần thể các loài quý hiếm; số lượng, chất lượng các loài có giá trị cũng đang dần bị suy thoái do mất nơi cư trú, chia cắt sinh cảnh. Đặc biệt đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn do sự biến động các điều kiện về nhiệt độ, lượng mưa, hàm lượng CO2, nước biển dâng,…Bên cạnh đó, hiện tượng nắng nóng bất thường làm tăng nguy cơ cháy rừng, đe doạ sự sống của các loài sinh vật rừng.
Cháy rừng ở các xã vùng Đông huyện Thăng Bình, Quảng Nam
Nhiều cây Mắm bị khô trụi lá do khả năng thích nghi thấp với thời tiết khắc nghiệt tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam
1. Em hãy kể một vài tác động của BĐKH ảnh hưởng đến đời sống xã hội và đa dạng sinh học.
2. Trước những tác động của sự BĐKH đến hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, chúng ta cần làm gì để thích ứng với sự biến đổi đó?