Hoàng Diệu (1829 - 1882)
Hoàng Diệu, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh năm 1829 tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ ông nổi tiếng là người hiếu học và học giỏi. Sau khi đỗ cử nhân, đỗ phó bảng, Hoàng Diệu được giao nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Nguyễn.
Hoàng Diệu (1829-1882)
Trong cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần hai, với vai trò Tổng đốc Hà Nội, Hoàng Diệu đã tích cực chuẩn bị kế hoạch đối phó. Ông đã chủ động phòng bị, vừa chỉ thị cho quân sĩ đào hào, đắp luỹ vừa tranh thủ sự đồng thuận của các quan trong thành, thống nhất kế hoạch và hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng để giữ thành Hà Nội.
Mờ sáng ngày 25/4/1882, Đại tá H.Ri-vi-e gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, ngang ngược đòi ông phải gỡ bỏ hệ thống phòng thủ và giao nộp thành. Trước tình thế đó, Hoàng Diệu đã cự tuyệt và lệnh cho tất cả quan quân sẵn sàng chiến đấu.
Không khuất phục được Hoàng Diệu cùng quan binh giữ thành, quân Pháp nổ súng tấn công. Trong một thế trận bất lợi, tương quan lực lượng không cân sức, mặc dù quan quân đã anh dũng chiến đấu nhưng tình hình ngày càng nguy ngập, không thể cứu vãn. Hoàng Diệu quay về hành cung viết di biểu gửi vua Tự Đức rồi đến trước cửa Võ Miếu tự vẫn.
Hoàng Diệu đã làm tròn bổn phận của một vị Tổng đốc khi ông đã cùng với binh sĩ chiến đấu đến cùng để bảo vệ thành Hà Nội. Hoàng Diệu ra đi như một tấm gương tiết nghĩa lẫm liệt, thà chết chứ nhất quyết không chịu đầu hàng giặc. Ông trở thành biểu tượng bất tử về tinh thần chống Pháp của người Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ.